Tại sao chứng khoán Mỹ không quá sợ virus corona
Hồi đầu tuần, Apple phát đi lưu ý đến các cổ đông về ảnh hưởng của dịch viêm phổi đối với hoạt động kinh doanh. Sản xuất iPhone đã chậm lại do công nhân bị cách ly. Hãng dự báo doanh số tại Trung Quốc sẽ giảm.
Apple cho biết doanh thu sẽ có ảnh hưởng, dù chưa thể ước tính mức độ chính xác. Tờ New York Times cho rằng, có vẻ đây là lời cảnh báo từ một công ty trị giá 1.400 tỷ USD, trụ cột trong danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư, vốn có khả năng dẫn đến tâm lý bán tháo trên phố Wall. Phố Wall đi xuống phiên thứ ba (18/2).
Nhưng cuối cùng, chứng khoán Mỹ gần như hồi phục vào phiên sau. Chốt phiên ngày thứ tư (19/2), cổ phiếu Apple thậm chí hồi phục gần bằng mức trước khi công ty đưa ra cảnh báo về doanh thu.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Mỹ hầu như không có phản ứng gì dù cho nhiều nhà máy ở Trung Quốc bị cách ly cùng hàng loạt lo ngoại về việc virus corona có thể lan rộng, gây gián đoạn kinh tế khắp châu Á và hơn thế. S&P 500 còn tăng 4,6% so với cuối tháng 1, khi WHO tuyên bố Covid-19 là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Ngay cả cổ phiếu của các công ty Mỹ tiếp xúc trực tiếp nhất với nền kinh tế Trung Quốc cũng có phong độ tốt. Chỉ số vận tải và du lịch của Dow Jones, bao gồm các hãng hàng không và chuỗi khách sạn bị ảnh hưởng bởi giảm lượt khách châu Á, chỉ giảm 1% kể từ giữa tháng 1, khi nỗi sợ dịch viêm phổi lan rộng.
Tâm trạng phấn chấn trên thị trường chứng khoán vẫn tiếp diễn ngay cả khi các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vào năm 2020. Thậm chí, còn có cảnh báo rằng, các kịch bản ít khả năng nhất nhưng cũng tồi tệ nhất, là kinh tế thế giới có thể đối mặt với cú sốc khi phạm vi ảnh hưởng lớn hơn.
"Tác động lên nền kinh tế toàn cầu sẽ rất nghiêm trọng nếu tỷ lệ nhiễm virus không giảm và số người chết tiếp tục tăng", phân tích của Moody’s viết. "Việc đóng cửa mở rộng tại Trung Quốc sẽ có tác động toàn cầu do tầm quan trọng và sự kết nối của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới. Thị trường tài chính dường như không để tâm đến ảnh hưởng này, tức là đang đánh giá thấp rủi ro", báo cáo nhận định.
Thoạt nhìn có hai khả năng: Những đánh giá như thế là quá ảm đạm, hoặc thị trường chứng khoán đã thất bại trong việc dự báo rủi ro. Nhưng khi nhìn vào bức tranh dữ liệu đầy đủ, có một cách khác để giải thích vấn đề.
Thị trường trái phiếu đã xuất hiện bi quan rõ rệt hơn so với thị trường cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm xuống 1,52% vào thứ năm (20/2) từ mức 1,8% vào giữa tháng 1. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư trái phiếu tính rằng tăng trưởng sẽ thấp hơn, và do đó lãi suất thấp hơn, trong các năm tới.
Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kho bạc 2 năm chỉ còn 1,39%, thấp hơn lãi suất qua đêm của Fed quanh mức 1,5-1,75%. Điều đó ngụ ý các nhà đầu tư nghĩ rằng nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Covid-19 là một phần của lý do. Biên bản cuộc họp chính sách của Fed vào cuối tháng 1 vừa được công bố hôm thứ tư (19/2) cho biết, mối đe dọa của virus corona, ngoài số người mắc bệnh, đã nổi lên như một nguy cơ mới đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Trên thực tế, các nhà đầu tư chứng khoán dường như đang đặt cược rằng Fed sẽ bảo lãnh cho họ khỏi mọi thiệt hại mà virus có thể gây ra cho lợi nhuận của công ty và nền kinh tế thế giới. Bởi lẽ, nếu Fed hạ lãi suất một hoặc hai lần thì thị trường chứng khoán lại tăng điểm, bất chấp các công ty có kinh doanh tại Trung Quốc hoặc các quốc gia bị ảnh hưởng khác phải ngừng sản xuất hoặc giảm doanh thu. Nó là câu chuyện hợp lý nhưng cũng đặt ra vấn đề về định giá trên thị trường tài chính.
Năm ngoái, khi cuộc chiến thương mại và các yếu tố toàn cầu khác dường như có nguy cơ khiến nền kinh tế Mỹ chậm lại thì Fed đã cắt giảm lãi suất cơ bản ba lần. Việc cắt giảm lãi suất đã tác động rõ. Thị trường tài chính hồi phục sau một số biến động mùa hè. Bây giờ, nền kinh tế Mỹ vẫn đang đi lên.
Tuy nhiên, Fed cũng đang phải đối mặt với vấn đề là lãi suất đang cực kỳ thấp, ngay cả trong thời điểm tốt, đến nỗi cơ quan này có rất ít cơ hội để điều chỉnh nếu nền kinh tế Mỹ gặp bước ngoặt đáng kể theo hướng xấu.
Cụ thể, lãi suất mục tiêu của Fed chỉ ở mức trên 1,5%. Và nếu họ phải cắt giảm tiếp để bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước cú sốc từ virus corona, đồng nghĩa họ có khả năng hơn để đối mặt một khủng hoảng khác.
New York Times bình luận rằng, sử dụng sức mạnh của chính sách tiền tệ để chống lại một đại dịch tiềm tàng, nói cách khác, sẽ khiến Fed không còn nhiều dư địa để chống lại một số thách thức khó đoán khác trong tương lai.
Vì vậy, nếu các nhà đầu tư chứng khoán vẫn hào hứng mua vào, bất chấp rủi ro từ Covid-19 đang tồn tại, tức là họ đang chơi đặt cược hai lần.
Thứ nhất, họ đang đặt cược rằng Fed có thể và sẽ hành động nếu cần thiết khi virus corona bắt đầu gây thiệt hại cho nền kinh tế. Thứ hai, nếu việc này xảy ra, họ sẽ cược rằng, điều này cũng không thành vấn đề dù khả năng đối phó với các cú sốc của Fed đi xuống.