Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR): Lãi đậm, tăng 126% nhờ giá bán sản phẩm mủ cao su và gỗ

27/07/2021 14:35 GMT+7
Quý II/2021, lãi sau thuế Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) gần 1.160 tỷ đồng nhờ giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su và giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.688 tỷ đồng.

Trong kỳ, các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh, lần lượt 61% (đạt 103 tỷ đồng) và 95% (đạt 576 tỷ đồng), chủ yếu chi cho dịch vụ mua ngoài, vật liệu, vận chuyển, bốc xếp, chi trả cho nhân viên và các khoản khác.

Kết thúc quý II, lợi nhuận sau thuế tăng 126% lên gần 1.160 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. 

Tập đoàn cho biết nguyên nhân là giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, ổn định; doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng.

Bên cạnh đó, giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng giúp lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đa số đơn vị có vốn góp của tập đoàn cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. 

 - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II.

Lợi nhuận của công ty mẹ tập đoàn đạt gần 148 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, ổn định nên lợi nhuận từ các công ty TNHH MTV 100% vốn tập đoàn tăng, từ đó hạch toán lợi nhuận tập trung công ty mẹ tập đoàn từ các công ty này tăng so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Cao su Việt Nam đạt 10.537 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.661 tỷ đồng, lần lượt tăng 77% và 174% so với cùng kỳ.

Năm 2021, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu 26.914 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.564 tỷ đồng. Như vậy sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 39% chỉ tiêu doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Nhiều khả năng, GVR sẽ về đích đúng hạn nhờ kế hoạch tái cơ cấu. Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, nhằm góp phần giúp Tập đoàn rà soát và cân đối các nguồn thu trong năm, GVR đã lên kế hoạch thoái vốn tại KCN Nam Tân Uyên (MCK: NTC). GVR hiện đang nắm giữ hơn 20,4% vốn tại KCN Nam Tân Uyên. Bên cạnh đó, GVR cũng sẽ tiếp tục thoái vốn CTCP Phát triển đô thị và KCN cao su Việt Nam (MCK: VRG), bán cổ phiếu thưởng của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (MCK: SIP).

Ngoài ra, lãnh đạo của GVR cũng cho biết, trọng tâm giai đoạn 2021-2025 của công ty là lĩnh vực khu công nghiệp, song song, GVR sẽ tiếp tục mảng truyền thống gồm khai thác bán mủ cao su và chế biến sản xuất sản phẩm gỗ công nghiệp.

Trong dài hạn, việc định hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang phát triển hạ tầng KCN nói trên có thể giúp GVR trở thành một trong những nhà phát triển công nghiệp lớn nhất khu vực miền Nam bên cạnh Becamex, Tín Nghĩa, Sonadezi, hay VSIP...

Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của GVR là 79.341 tỷ đồng, giảm 1,1% so với hồi đầu năm, riêng tài sản dài hạn chiếm đến 72%. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt hơn 6.575 tỷ đồng, chiếm 8,3%. Đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 8.789 tỷ đồng, chiếm 11%.

Nợ phải trả tại thời điểm cuối quý II/2021 là hơn 26.525 tỷ đồng, giảm 8% so với hồi đầu năm; trong đó, khoản vay nợ tài chính ngắn hạn là 2.259 tỷ đồng, giảm 4%.

Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR): Lãi đậm, tăng 126% nhờ giá bán sản phẩm mủ cao su và gỗ - Ảnh 2.

Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR): Lãi đậm, tăng 126%. Ảnh GVR

GVR là doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối 96,77% vốn. Quy mô tổng tài sản đạt gần 80.000 tỷ đồng, trong đó riêng lượng tiền và tiền gửi ngân hàng lên đến 15.363 tỷ đồng, chiếm hơn 19% tài sản.

Tập đoàn cũng sở hữu hệ thống các đơn vị thành viên khá phức tạp với hơn 8 văn phòng đại diện, 101 công ty con được hợp nhất và 16 công ty liên kết. Một số công ty thành viên đáng chú ý là Tổng công ty cao su Đồng Nai, Cao su Đồng Phú, Cao su Phước Hòa, KCN Nam Tân Uyên, Gỗ Dầu Tiếng, VRG Khải Hoàn, Liên doanh VRG Dongwha…

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu GVR chốt tại giá 32.500 đồng/cổ phiếu, tăng 4,84%.


An Vũ
Cùng chuyên mục