Quảng Nam: Mở rộng diện tích trồng cam sành Trà Dương để giúp nông dân miền núi tăng thu nhập.
Cam sành Trà Dương là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện miền núi Bắc Trà My. Sản phẩm được sản xuất và bao tiêu bởi Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Dương.
Ông Nguyễn Quảng Hiệp - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Dương cho biết: Điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết ở xã Trà Dương rất thuận lợi cho các loại cây trồng nhất là các loại cây có múi. Với lợi thế đó, trong những năm gần đây, bà con nông dân đã đầu tư trồng cam sành, trở thành sản phẩm hàng hóa với lợi nhuận ổn định.
"Sau khi tạo dựng được những vườn cây ăn quả sản xuất theo phương thức hữu cơ với 3ha cam sành và 1ha cam giấy, năm ngoái 7 hộ nông dân ở xã Trà Dương của huyện miền núi Bắc Trà My quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Dương nhằm thuận lợi trong việc canh tác, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm..." – Ông Hiệp chia sẻ.
Bình quân mỗi vụ, 3ha cam sành cho tổng sản lượng khoảng 10 tấn quả tươi. Do chưa kết nối được thị trường tiêu thụ nên hầu hết sản lượng cam sành thu hái, hợp tác xã chủ yếu bán cho thương lái với mức giá tương đối thấp, khoảng 17 - 18 nghìn đồng/kg. Dự kiến, trong những năm đến hợp tác xã dự tính sẽ mở rộng thêm 10ha đất chuyên canh 4 loại cây gồm cam sành, cam giấy, bưởi da xanh, thanh trà.
"Sản phẩm cam sành Trà Dương được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, phân bón chủ yếu là phân chuồng hoi mục và sử dụng thuốc sinh học để bảo vệ thực vật. Đến mùa thu hoạch, trái được tập trung về những nơi thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường để sơ chế, đóng gói. Tuyệt đối không sử dụng hóa chất để xử lý hoặc bảo quản. Vốn là màu xanh nhưng khi chín vỏ cam sành chuyển sang màu xanh vàng và sần sùi, tép màu vàng cam đậm, nhiều nước có vị ngọt chua..." – Ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, cam sành giàu Vitamin C, A, canxi, chất xơ…rất bổ dưỡng cho cơ thể phụ nữ mang thai. Đặc biệt, trong cam sành còn có chất Vitamin B9, giúp những người mang thai ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh; tăng sức đề kháng và giúp sản xuất các tế bào máu; phòng và điều trị cá chứng cảm lạnh, viêm phế quản, hen suyễn, hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp, làm đẹp da, đặc biệt chống các bệnh về ung thư, cao huyết áp, giải độc…
Ông Nguyễn Quảng Hiệp cho biết thêm, nhận thấy cam sành của đơn vị có chất lượng khá tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu năm 2020 Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Dương đăng ký tham gia thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP với mong muốn tạo bước chuyển biến mạnh mẽ.
Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực của các ngành liên quan ở tỉnh và chính quyền huyện Bắc Trà My, hợp tác xã đã đăng ký thành công thương hiệu "Cam sành Trà Dương" cũng như hoàn tất việc thiết lập bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sau khi được UBND huyện Bắc Trà My xếp hạng đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện, sản phẩm "Cam sành Trà Dương" tiếp tục tham gia đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020.
Ông Nguyễn Quảng Hiệp hy vọng khi cam sành của đơn vị được chính thức công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020, sản phẩm sẽ được kết nối thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn và từ đó giá bán cũng sẽ tăng lên khoảng 10 - 20% so với hiện nay.