Thách thức nào cho ngành đồ gỗ những tháng cuối năm?
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ "hụt hơi"
Ước tính của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước trong tháng 8/2022 đạt 1,35 tỷ USD, tăng 65% so với tháng 8/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 851 triệu USD, tăng 60,5% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,77 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong tháng 8/2022 là do trong tháng 8/2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở mức rất thấp, bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh bùng phát, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ bị gián đoạn do các nhà máy đóng cửa vì giãn cách xã hội.
Tại thời điểm hiện tại, tác động bởi xung đột giữa Nga và Ukraine, khiến giá năng lượng tăng cao tác động tới chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu đầu vào gia tăng, điều này dẫn tới giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng cũng là yếu tố làm trị giá xuất khẩu trong tháng 8/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022 giảm 7,6% với cùng kỳ năm 2021, đạt 6,3 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có trị giá giảm, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp. Mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng có giá trị gia tăng cao và cần được đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU…, cùng với chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gia tăng, thì khả năng tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng này kém khả quan, mặc dù cuối năm theo chu kỳ là thời gian xuất khẩu tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường nhà ở hoàn thiện, trang trí nội thất gia đình đón chào năm mới.
Trong khi đó, mặt hàng dăm gỗ có trị giá xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 1,45 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mặt hàng cần hạn chế xuất khẩu với mục đích tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm gỗ là chiến lược phát triển bền vững của ngành gỗ.
Tiếp theo là các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu khác như: Gỗ, ván và ván sàn đạt 1,2 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021; cửa gỗ đạt 34 triệu USD, tăng 53,4%; đồ gỗ mỹ nghệ đạt 18,5 triệu USD, tăng 18,9%...
Trước đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7 chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm hơn 3% so với tháng 7/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 846 triệu USD, giảm 19,2%. Đây là tháng thứ ba liên tiếp ngành hàng gỗ ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,7 tỷ USD, chỉ tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng đầu năm thấp hơn so với năm 2021 do các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng khi lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm gần 60% tổng giá trị xuất khẩu của ngành hàng. Với bối cảnh áp lực lạm phát đè nặng lên nền kinh tế Mỹ đã khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này cũng giảm tốc.
"Khi nhu cầu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam", Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Cùng với đó, giá nguyên liệu sản xuất tăng cao bởi chi phí và vận chuyển vẫn đang tăng mạnh khiến hoạt động xuất khẩu trở nên khó khăn hơn.
Thách thức nào cho ngành đồ gỗ những tháng cuối năm?
Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Như vậy, sau 7 tháng đầu năm, ngành hàng đã thực hiện 58,8% kế hoạch đề ra, theo đó, trong 5 tháng còn lại của năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cần mang về khoảng 6,8 tỷ USD để toàn ngành hoàn thành mục tiêu.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu của ngành gỗ trong những tháng cuối năm được dự báo sẽ còn nhiều thách thức khiến cho việc hoàn thành mục tiêu không dễ dàng.
Theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là Mỹ và các nước EU khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Khi đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ tiếp tục bị giảm, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cho hay tthị trường chính xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong nửa cuối năm 2022 không mấy khả quan.
Hiện tại, số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ đang có xu hướng giảm. Các doanh nghiệp ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào.
Cùng với đó, các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ đối với ngành gỗ Việt Nam đang gia tăng như gỗ dán, tủ gỗ...
Ngoài ra, các mặt hàng đang có dấu hiệu gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đang được Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cảnh báo như ghế sofa có khung gỗ; gỗ thanh và viền dải gỗ...
Tổng kết 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 7 đạt 685 triệu USD, giảm tới 18,5% so với tháng 7/2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ chri đạt 5,6 tỷ USD, giảm 6%.
Theo khảo sát của Viforest và Forest Trends, phần lớn doanh nghiệp gỗ bị giảm đơn hàng, doanh thu lao dốc. Viforest nhận định xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp khăn do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao. Hiện, các đơn hàng từ thị trường Mỹ, châu Âu, Anh đang sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng đang đối diện với vụ việc khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm.
Mới đây, Hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends đã khảo sát 52 doanh nghiệp ngành về tình hình đơn hàng, sản xuất kinh doanh. Kết quả cho thấy trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng chỉ khoảng 11%.
Điều này xảy ra tương tự với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%.
Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022. Các con số này cho thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm.