Thấy gì từ những "hành động" mới của Ngân hàng Nhà nước

17/10/2022 14:36 GMT+7
NHNN đã chỉnh biên độ và nâng giá bán USD. Theo các chuyên gia những “hành động” mới này của Ngân hàng Nhà nước cũng dễ hiểu và phù hợp với tình hình mới khi áp lực tỷ giá tăng cao, dự trữ ngoại hối đang “cạn” dần.

Những "hành động" mới từ Ngân hàng Nhà nước

Trong phiên giao dịch hôm nay (17/10), Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có biểu niêm yết mới về giá mua – bán ngoại tệ.

Theo đó, giá bán ra USD tăng tới 455 đồng, từ mức 23.925 VND/USD lên 24.380 VND/USD. Đây là bước tăng mạnh chưa từng thấy của Nhà điều hành trong nhiều năm qua. Trong khi đó, giá mua USD tại đây vẫn tiếp tục để trống.

Như vậy, trong vòng hơn 1 tháng qua, tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã tăng 980 VND/USD. Trong 2 lần tăng trước ghi nhận vào ngày 7/9 và ngày 30/9 với mức tăng lần lượt là 300 VND và 225 VND/USD.

Thấy gì từ những "hành động" mới của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

Nguồn: SBV

Cùng với đó, tỷ giá trung tâm sáng nay được ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 45 VND/USD, lên 23.586 VND/USD.

Bất ngờ ở chỗ, không chỉ tăng giá bán USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước còn điều chỉnh điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ± 3% lên ± 5%.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng trung ương (NHTW) lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga-Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.

Việc nới biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD lên ±5%, nhằm chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các NHTW trên thế giới.

Đây là lần điều chỉnh đầu tiên của Nhà điều hành sau gần chục năm trở lại đây, trước biến động mạnh và liên tục gia tăng của tỷ giá USD/VND thời gian gần đây.

Thấy gì từ những "hành động" mới của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 2.

Tỷ giá nổi sóng trên cả chợ đen và các ngân hàng. (Ảnh: TT)

Tỷ giá nổi sóng, vượt 24.500 VND/USD

Sau những hành động mới của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank hiện đang niêm yết giá mua/bán USD tại mức 24.200 VND/USD và 24.480 VND/USD. So với cuối tuần trước, giá USD mua/bán USD tăng 250 VND/USD.

Tương tự, tại VietinBank, cập nhật vào đầu giờ chiều nay giá mua/bán USD đứng ở mức 24.190 VND và 24.24.470 VND/USD, tăng 240 VND/USD.

Trong khi đó, Sacombank hiện đang niêm yết tỷ giá USD/VND ở 24.500 VND/USD (bán ra), tăng mạnh 260 VND.

Tại thị trường chợ đen, tỷ giá cũng nổi sóng khi giá mua vào và bán ra lần lượt tăng 170 VND và 190 VND/USD. Tỷ giá USD đã chính thức vượt trên 14.520 VND/USD.

Thấy gì từ những động thái của Ngân hàng Nhà nước

Một số chuyên gia cho rằng, những "hành động" mới của Ngân hàng Nhà nước cũng dễ hiểu khi áp lực tỷ giá tăng cao, dự trữ ngoại hối đang "cạn" dần và room lãi suất không còn nhiều. 

Trước đó, nhiều nhà phân tích và các tổ chức cũng đã không ít lần dự báo về khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng giá bán USD khi quý IV/2022 được nhận định sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về diễn biến tỷ giá trong nước.

Trong dự báo mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính, tỷ giá sẽ tăng lên khoảng 5,5 - 6% trong năm 2022, khi nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2021; hoạt động xuất khẩu bắt đầu chịu nhiều áp lực hơn vào cuối năm và kỳ vọng dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam.

Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm cuối tháng 9 đã thấp hơn mức 12 tuần nhập khẩu nên dư địa để Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục can thiệp tỷ giá thông qua bán USD từ dự trự ngoại hối sẽ hẹp dần.

Làm rõ thêm về động thái mới của Ngân hàng Nhà nước, TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chỉ ra 2 lý do.

Thứ nhất, việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh khi USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Thực tế, hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%, Trung Quốc - quốc gia có mức độ mất giá nội tệ thấp nhất cũng mất giá khoảng 8%.

Hơn nữa, biên độ biến động tỷ giá +/-3% đã có từ năm 2015 và cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Thấy gì từ những "hành động" mới của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 4.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch UBGSTC Quốc gia. (Ảnh: DV)

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh biên độ tỷ giá còn có thể là do sức ép từ cán cân vãng lai. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm).

"Với các sức ép về tỷ giá lớn như vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nghĩa, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt chính sách để bình ổn thị trường như: Bán hối phiếu Ngân hàng Nhà nước, sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, mua bán ngoại tệ, tăng lãi suất… Tuy vậy, trong tất cả các giải pháp, ông cho rằng, biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát cung tiền. 

"Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tất cả các giải pháp. Còn duy nhất công cụ chưa áp dụng là tăng dự trữ bắt buộc do lo ngại ảnh hưởng đến vốn khả dụng cho vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng nên cũng không cần tăng dự trữ bắt buộc vì sẽ hạn chế nguồn cho vay của các ngân hàng", TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này khẳng định cùng với việc điều chỉnh giá bán và biên độ tỷ giá giao ngay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục