Tỷ giá USD/VND tăng không ngừng, không loại trừ khả năng lãi suất điều hành tiếp tục tăng
Tỷ giá USD/VND "nổi sóng"
Trong phiên giao dịch sáng nay, tỷ giá trung tâm được "cộng" thêm 11 đồng so với phiên giao dịch ngày hôm qua lên niêm yết ở mức 23.423 VND/USD. Đây là phiên tăng mạnh thứ tư liên tiếp của tỷ giá trung tâm.
Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 24.126 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.720 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng có những bước điều chỉnh mạnh.
Như tại Vietcombank, giá mua/bán USD tăng thêm 20 đồng, trong khi BIDV tăng 30 đồng và cùng niêm yết ở mức 23.750 – 24.030 VND/USD.
Tương tự, ACB và Eximbank cũng điều chỉnh tăng 30 đồng mua vào/bán ra USD trong phiên sáng nay. Hiện, ACB đang niêm yết giá mua/bán USD ở mức 23.790 – 24.010 VND/USD, trong khi tỷ giá tại Eximbank 23.760 – 24.000 VND/USD.
Không chỉ "nóng" tại các ngân hàng, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ngày 03/10 với mức 23.888 VND/USD, tăng mạnh 48 đồng so với phiên 30/9.
Ngược lại, tại thị trường tự do, tỷ giá mua vào/bán ra USD trong phiên này vẫn duy trì quanh mức 24.000 – 24.200 VND/USD – không có nhiều biến động so với phiên trước.
Sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá
Thực tế, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch lên mức 23.925 VND/USD từ mức 23.700 đồng vào ngày giao dịch cuối tháng 9, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại ngay lập tức tăng mạnh vượt mức 24.000 VND/USD.
Đồng thời, tỷ giá liên ngân hàng cũng tiến sát mức tỷ giá bán tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sau động thái của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bán USD 2 lần với tổng giá trị lên tới 525 đồng/USD, khi cung-cầu ngoại tệ trên thị trường chưa có nhiều sự cải thiện.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF.
So với cuối năm 2021, tỷ giá niêm yết tại ngân hàng thương đã tăng khoảng 4,7%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,5%.
Theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán SSI, về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao và không loại trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.
Ngược lại, theo báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa từ giờ cho tới cuối năm 2022 sau đợt tăng lãi suất mạnh mẽ gần đây (tăng 1 điểm %) và nếu như Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất như trong báo cáo dự báo kinh tế được công bố vào ngày 22/9 .
Thực tế, ngày 23/9 vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chính thức điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành, bao gồm cả việc quy định trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng trong bối cảnh áp lực tỷ giá tăng mạnh.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế PGS. TS. Phạm Thế Anh, việc tăng lãi suất huy động 1% thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt của nhà điều hành.
"Tăng lãi suất càng nhiều càng giữ được tỷ giá, càng tránh được sự chuyển dịch của dòng vốn và kiểm soát được lạm phát", PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Tất nhiên, đổi lại, cái giá phải trả là chi phí vốn vay doanh nghiệp cao hơn, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại, mức tăng trưởng không cao như trước nữa khá lớn.
Còn theo tính toán của ông TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, từ nay đến cuối năm, tỷ giá sẽ biến động không quá 1% nữa và biên độ biến động tỷ giá cả năm sẽ không quá 5%, nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện tại, còn nếu tình hình thế giới có biến động (ví dụ như xung đột leo thang), Fed tăng mạnh lãi suất cao hơn mức dự báo..., thì Ngân hàng Nhà nước có thể phải điều chỉnh tỷ giá mạnh tay hơn.
Với quan điểm của Maybank IBG, tỷ giá ngoại hối của Maybank IBG dự đoán USD/VND sẽ ở mức 23.500 đồng vào cuối năm 2022 và 23.200 đồng vào cuối năm 2023.