Thế giới có ít nhất 9 tỷ phú mới khi cổ phiếu các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 tăng nóng: họ là ai?

23/05/2021 10:58 GMT+7
Ít nhất 9 tỷ phú mới đã được tạo ra trong năm qua khi cổ phiếu các công ty sản xuất vắc xin Covid-19 tăng vọt.

Đứng đầu danh sách tỷ phú mới được tạo ra từ đà tăng cổ phiếu các hãng sản xuất vắc xin là Giám đốc điều hành Stéphane Bancel của Moderna và Ugur Sahin, giám đốc điều hành BioNTech. Theo phân tích mới đây của Liên minh vắc xin Nhân dân (People's Vaccine Alliance), tổng tài sản của cả hai hiện lên tới 4 tỷ USD.

Thế giới có ít nhất 9 tỷ phú mới khi cổ phiếu các nhà sản xuất vắc xin Covid-19 tăng nóng: họ là ai? - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành Stéphane Bancel của Moderna (Trái) và giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin (phải)

Giám đốc điều hành cấp cao của CanSino Biologics (Trung Quốc) và một số nhà đầu tư ban đầu vào Moderna cũng trở thành tỷ phú khi cổ phiếu Moderna và CanSino tăng chóng mặt, một phần được thúc đẩy bởi kỳ vọng lợi nhuận khổng lồ từ việc bán vắc xin Covid-19. Phân tích được tổng hợp bằng dữ liệu từ Danh sách người giàu Forbes.

Kể từ tháng 2/2020 đến nay, giá cổ phiếu Moderna tăng hơn 700%, cổ phiếu BioNTech tăng 600% trong khi CanSino Biologics tăng khoảng 440%. Vắc xin của Moderna và BioNTech đã được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, trong khi vắc xin một liều của CanSino đã được Bắc Kinh phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Trung Quốc từ tháng 2 năm nay.

Theo các thống kê, tổng giá trị tài sản ròng của 9 tỷ phú mới được tạo ra từ các công ty sản xuất vắc xin lên tới 19,3 tỷ USD. Sự giàu lên chóng mặt của các tỷ phú này là một minh chứng cho sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng rõ rệt mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Anne Marriott, giám đốc chính sách y tế của Oxfam cho biết trong một tuyên bố: “Những tỷ phú này phản ánh một phần về khoản lợi nhuận khổng lồ mà nhiều tập đoàn dược phẩm hiện đang kiếm được nhờ vị thế độc quyền nắm giữ vắc xin. Trong khi đó, đáng lẽ những vắc xin này được tài trợ bởi khu vực công và vì lợi ích công cộng trước tiên, chứ không phải là cơ hội kiếm tiền cho bất kỳ cá nhân nào”.

Báo cáo được công bố trùng với thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Toàn cầu G20 diễn ra vào hôm 21/5. Tại đó các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ thảo luận về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 nhằm mở rộng nguồn cung vắc xin toàn cầu, thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ động thái này, tuy nhiên một số quốc gia như Đức lại phản đối. Phe phản đối cho rằng việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là quan trọng đối với sự đổi mới và việc loại bỏ các bằng sáng chế sẽ không làm tăng nguồn cung thực tế do năng lực sản xuất hạn chế và không đủ thành phần nguyên liệu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 87% liều vắc xin sản xuất ra đã chuyển đến các nước có thu nhập cao hoặc trung bình, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ nhận được 0,2% nguồn cung. Trong một bài báo được công bố hôm 21/5, nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath cho biết rằng việc tiêm chủng cho 60% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022 sẽ chỉ tốn 50 tỷ USD.

Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer, cho biết trong hội nghị thượng đỉnh y tế cùng ngày rằng công ty sẽ cung cấp 2 tỷ liều vắc xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong 18 tháng tới. Pfizer dự kiến doanh số bán vắc-xin của mình sẽ đạt tổng cộng khoảng 26 tỷ USD vào cuối năm nay, với tỷ suất lợi nhuận đạt 30%. Vị CEO đã bảo vệ quyết định thu lợi nhuận từ vắc xin của Pfizer, lập luận rằng công ty đã chấp nhận mọi rủi ro để phát triển vắc xin, chẳng hạn như đầu tư tới 2 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển.

BioNTech, công ty đã nhận được 325 triệu Euro (397 triệu USD) từ chính phủ Đức để phát triển vắc xin cũng cho biết họ cam kết cung cấp vắc xin cho các quốc gia có thu nhập thấp với giá gốc. "Tất cả chúng ta đều biết rằng sẽ không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn". Trong một tuyên bố với CNN Business, hãng cho biết quy trình sản xuất phức tạp và thời gian xây dựng nhà máy mới kéo dài là một trong những trở ngại lớn đối với việc tăng nguồn cung vắc xin toàn cầu. "Bằng sáng chế không phải là yếu tố hạn chế” - đại diện BioNTech khẳng định.

BioNTech đã kiếm được lợi nhuận ròng 1,1 tỷ Euro (1,3 tỷ USD) trong ba tháng đầu năm, phần lớn nhờ vào doanh thu từ vắc xin Covid-19. Năm ngoái, công ty ghi nhận khoản lỗ 53,4 triệu Euro (75,9 triệu USD) trong cùng kỳ.

Doanh số vắc xin Covid-19 của Moderna đạt 1,7 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay, quý lãi đầu tiên trong lịch sử hoạt động. Goldman Sachs dự kiến Moderna sẽ kiếm được 13,2 tỷ USD doanh thu từ vắc xin Covid-19 trong năm nay. Công ty đã nhận được hàng tỷ USD tài trợ từ chính phủ Mỹ để phát triển vắc xin. Trong một tuyên bố vào tháng trước, CEO Moderna cho rằng Moderna sẵn sàng cấp phép tài sản trí tuệ của mình cho các công ty khác "trong thời kỳ hậu đại dịch"

AstraZeneca - nhà sản xuất vắc xin Covid-19 cùng tên kết hợp với các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã đồng ý cung cấp vắc xin với chi phí tối thiểu cho đến tháng 7/2021. Mức giá ưu đãi sẽ được duy trì vĩnh viễn cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Johnson & Johnson cũng cho biết sẽ cung cấp vắc xin trên cơ sở phi lợi nhuận trong nỗ lực đưa thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch.


NTTD
Cùng chuyên mục