Thế giới có thể sắp “sốt” giá gạo?
Giá lương thực-thực phẩm toàn cầu đã tăng chóng mặt trong mấy tháng qua. Gạo - loại lương thực chính tại nhiều nước châu Á - có thể sẽ là mặt hàng tiếp theo bước vào cơn sốt, nhiều chuyên gia nhận định khi trao đổi với hãng tin CNBC.
Trong bối cảnh lạm phát leo thang tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, giá nhiều mặt hàng lương thực-thực phẩm, từ lúa mì và các ngũ cốc khác cho tới thịt và dầu ăn đều tăng mạnh. Đây là hệ quả của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm việc giá phân bón và xăng dầu tăng mạnh trong vòng 1 năm qua và ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine.
Lệnh cấm xuất khẩu lương thực và sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng từ một số nước như Ấn Độ (cấm xuất khẩu lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường…) và Indonesia (dầu cọ) khiến đà tăng giá càng được đẩy mạnh hơn.
Và gạo có thể là loại lương thực sắp bị cuốn vào cơn sốt này. Chỉ số Giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đã cho thấy giá gạo thế giới âm thầm tăng 5 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất 12 tháng – theo dữ liệu tháng 5 công bố vào tuần trước.
Giới chuyên gia nói rằng sản lượng gạo của thế giới hiện vẫn dồi dào. Tuy nhiên, giá lúa mì tăng cao, cộng thêm chi phí sản xuất nông nghiệp nói chung bị đội lên, khiến diễn biến giá gạo trở thành một vấn đề đáng lưu tâm.
“Chúng ta cần theo dõi giá gạo trong thời gian tới, vì giá lúa mì tăng có thể dẫn tới việc dùng gạo để thay thế một phần, làm gia tăng nhu cầu gạo và gây giảm lượng dự trữ gạo hiện có”, chuyên gia kinh tế trưởng Sonal Varma của ngân hàng Nhật Bản Nomura phát biểu.
Các biện pháp bảo hộ thương mại lương thực-thực phẩm “đang làm trầm trọng thêm áp lực giá cả trên toàn cầu vì nhiều lý do”, bà Varma nhận định với CNBC và nhấn mạnh thêm rằng giá phân bón nông nghiệp đang ngày càng cao, cộng thêm giá xăng dầu leo thang đẩy cao chi phí vận chuyển.
“Bởi vậy, có khả năng chủ nghĩa bảo hộ sẽ xuất hiện thêm ở nhiều quốc gia”, bà Varma nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng rủi ro xảy ra một cơn sốt giá gạo hiện chưa phải là cao, vì lượng gạo dự trữ tên toàn cầu còn dồi dào và vụ thu hoạch lúa gạo ở Ấn Độ trong mùa hè này được dự báo khả quan.
Chiến tranh Nga-Ukraine đã đẩy giá lúa mì tăng cao, bởi cả hai nước này đều là những quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. So với cách đây 1 năm, giá lúa mì đã tăng hơn 50%. Hôm thứ Hai tuần trước, giá lúa mì tăng 4% sau khi có tin nói rằng quân Nga phá huỷ một trong những cảng xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Ukraine.
Hôm 6/6, hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin nói rằng các nhà giao dịch gạo đã tăng mua gạo Ấn Độ trong 2 tuần liên tiếp.
“Ở thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy lo lắng về khả năng Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trong vài tuần tới đây, sau khi họ đã cấm xuất khẩu lúa mì và đường”, nhà nghiên cứu cấp cao David Laborde thuộc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế nói với CNBC.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai nước sản xuất nhiều lúa gạo nhất thế giới, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu – theo dữ liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Việt Nam đứng thứ 5 và Thái Lan thứ 6.
Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì từ tháng 5, với lý do “quản lý an ninh lương thực quốc gia”. Chỉ vài ngày sau đó, nước này công bố lệnh cấm xuất khẩu đường.
Ông Laborde nói rằng giá gạo càng tăng, khả năng có lệnh cấm xuất khẩu gạo càng lớn.
“Chúng ta cần phân biệt giữa sự tăng giá giúp bù đắp cho chi phí gia tăng và mang lại lợi ích cho người nông dân (giúp họ tiếp tục sản xuất), và một lệnh cấm xuất khẩu đẩy giá tăng cao trên thị trường toàn cầu nhưng lại kéo tụt giá ở thị trường trong nước”, vị chuyên gia phát biểu.
Ông Nafees Meah, đại diện khu vực Nam Á của Viện Nghiên cứu lúa gạo, nói rằng chi phí năng lượng, vốn đang tăng cao trên toàn cầu, chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất lúa gạo.
“Bởi vậy, có lập luận rằng nếu giá gạo trên thị trường tăng, thì chẳng phải người nông dân được hưởng lợi đó hay sao?” ông Nafees phát biểu.
Tuy nhiên, giá gạo tăng sẽ gây ảnh hưởng xấu ở nhiều nước châu Á, khu vực tiêu thụ nhiều gạo nhất thế giới. “Ở Đông Nam Á, những quốc gia như Đông Timor, Lào, Cambodia và thậm chí cả Indonesia, nước có dân số rất đông, an ninh lương thực sẽ chịu tác động tiêu cực nếu giá gạo tiếp tục tăng và giữ ở mức cao”, ông Nafees nói.
Chỉ số giá lương thực của Liên hiệp quốc cho thấy giá lương thực toàn cầu hiện tăng 75% so với mức trước đại dịch – theo chiến lược gia trưởng Frederique Carrier của RBC Wealth Management.
“Tình trạng khan hiếm nhân công do ảnh hưởng của đại dịch và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã làm cho tình hình lương thực trở nên trầm trọng, thông qua vừa gây gián đoạn nguồn cung lương thực, vừa đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa”, bà Carrier viết trong một báo cáo mới đây.
Theo bà Carrier, khoảng 1/3 chi phí sản xuất lương thực là chi phí liên quan đến năng lượng. Sản xuất phân bón nông nghiệp là một quy trình đòi hỏi nhiều năng lượng, và giá phân bón trên toàn cầu đã tăng vọt trong 1 năm trở lại đây.