Thêm 25.000 tỷ đồng được bơm vào thị trường, lãi suất cuối quý III mới giảm rõ rệt
Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở khá trầm lắng trong tuần giao dịch vừa qua (từ ngày 29/05/2023 – 02/06/2023).
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ phát hành mới tổng cộng 715 tỷ đồng trên kênh mua kỳ hạn, trong đó 11 tỷ ở kỳ hạn 7 ngày và 705 tỷ kỳ hạn 28 ngày ở lãi suất 4.5% nhằm tài trợ cho khoản đáo hạn trên kênh này.
Trong tuần, khối lượng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày đáo hạn đạt 24.800 tỷ đồng và nhờ vậy, NHNN đã bơm ròng gần 25.000 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm xuống còn 16.900 tỷ đồng và sẽ đáo hạn hết trong tuần này. Đối với kênh cầm cố, khối lượng đang lưu hành hầu như đi ngang ở 1.400 tỷ đồng.
Thanh khoản dồi dào giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dao động trong biên độ hẹp (3,8 – 4,0% cho kỳ hạn qua đêm và 4,3 - 4,7% trong khi đó ổn định ở các kỳ hạn dưới 1 tháng).
Trong phiên họp thường kỳ tháng 5, NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 chỉ đạt 3,17% so với cuối năm 2022, tương đương mức tăng gần 10% so với cùng kỳ (so với mức 17% vào cuối tháng 5/2022).
Trong đó, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 35% hạn mức đầu năm đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước và 50% đối với ngân hàng thương mại cổ phần, cho thấy dư địa cho các ngân hàng thương mại mở rộng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 còn tương đối nhiều.
Theo bộ phận phân tích tại Chứng khoán SSI, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu với 3 nguyên nhân chính: đối với doanh nghiệp sản xuất có đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn khiến nhu cầu vay vốn giảm, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa có tình hình tài chính suy yếu dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng và đối với doanh nghiệp bất động sản thì nhu cầu giảm sút do nhiều dự án gặp khó khăn pháp lý.
Nhìn chung, thông điệp của NHNN vẫn là nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất thực tế trên thị trường. Theo ước tính của SSI, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm – giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 nhưng vẫn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019.
Tại phiên họp báo thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022). "Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới" – Phó Thống đốc nói.
Thứ hai, đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ cho nên NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai quyết liệt chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện. "Rõ ràng, hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, cho nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng" – ông nói thêm.
Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, lãi suất có độ trễ nhất định với các quyết sách. Chẳng hạn, khi nhà quản lý tiền tệ tăng lãi suất vào tháng 10/2022, phải mất khoảng nửa năm mới tác động tới nền kinh tế. Chính vì vậy, với chính sách giảm lãi suất điều hành diễn ra trong tháng 3 và tháng 5 vừa qua, mặt bằng lãi suất dự báo sẽ giảm rõ rệt vào khoảng cuối quý III/2023.
Vị này cũng cho rằng, không phải cứ huy động với lãi suất thấp thì lãi suất cho vay sẽ thấp. Và không phải lãi suất cho vay thấp thì có thể cho vay tất cả các thành phần trong nền kinh tế. Bởi lãi suất cho vay được ngân hàng quyết định từ yếu tố rủi ro của khoản vay.