Thêm một nút thắt mới trong căng thẳng Úc - Trung

19/04/2021 20:01 GMT+7
Giấy phép nhập khẩu cỏ khô của 25 doanh nghiệp Úc vẫn chưa được gia hạn trong bối cảnh xung đột địa chính trị Úc - Trung kéo dài hơn 1 năm.

Ông Munro Patchett, tổng giám đốc Gilmac, nhà xuất khẩu cỏ khô lớn nhất nước Úc cho hay 25 doanh nghiệp Úc đang nỗ lực liên hệ với cơ quan hải quan Trung Quốc để tìm hiểu về các đơn đăng ký gia hạn giấy phép xuất khẩu cỏ khô trong 5 năm. Các giấy phép này đã được nộp vài tháng trước khi giấy phép cũ hết hạn, nhưng từ đó đến nay chưa nhận được phản hồi của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Do các giấy phép cũ đã hết hạn, 25 cơ sở này buộc phải ngừng xuất khẩu cỏ khô sang Trung Quốc từ tháng 2 qua do quan ngại các chuyến hàng sẽ bị dừng tại cảng và không thể thông quan vào thị trường.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu 1/3 trong số 1,2 triệu tấn cỏ khô mà Úc chế biến mỗi năm.

Nhiều lô hàng xuất khẩu từ Úc, không riêng cỏ khô, đã bị mắc kẹt tại các cảng Trung Quốc trong suốt năm qua khi căng thẳng Úc - Trung leo thang. 

Thêm một nút thắt mới trong căng thẳng Úc - Trung - Ảnh 1.

Thêm một nút thắt mới trong căng thẳng Úc - Trung

Quan hệ Úc - Trung đã xấu đi kể từ khi chính quyền Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, hưởng ứng những cáo buộc của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến Bắc Kinh giận dữ. Ngoại trưởng Úc Marise Payne là người đã xuất hiện trên đài truyền hình địa phương, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập với Tổ chức Y tế Thế giới WHO về nguồn gốc dịch bệnh khi ổ dịch Covid-19 đầu tiên được báo cáo tại một khu chợ ở Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc. Vào thời điểm đó, WHO cũng đang phải đối mặt với sự chỉ trích quốc tế về cách xử lý đại dịch.

Các chính trị gia Úc khác sau đó cũng lên tiếng kêu gọi một nỗ lực điều tra độc lập tương tự, bao gồm cả Thủ tướng Úc Scott Morrison, người cũng đề nghị các điều tra viên của Tổ chức Y tế Thế giới tại Vũ Hán được cấp quyền hạn thanh tra với sự hậu thuẫn của Liên hợp Quốc.

Úc từ lâu đã được biết đến như đồng minh thân thiết của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Bắc Kinh phản ứng dữ dội trước những cáo buộc, đáp trả rằng cáo buộc của Canberra là vô căn cứ.

“Bất kỳ nghi ngờ nào về sự minh bạch của Trung Quốc không chỉ đi ngược lại sự thật mà còn phản ánh sự thiếu tôn trọng những nỗ lực và hy sinh to lớn của nhân dân Trung Quốc… Phía Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề nguồn gốc dịch Covid-19 là một vấn đề khoa học nghiêm túc cần sự vào cuộc của các nhà khoa học và chuyên gia y tế. Chúng tôi kỳ vọng phía Úc xử lý vấn đề một cách khách quan, khoa học và công tâm”.

Lời kêu gọi “tin tưởng lẫn nhau” đó đã trở thành “câu thần chú” của chính phủ Trung Quốc khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu với hàng loạt mặt hàng từ Úc bao gồm lúa mạch, thịt bò, rượu vang, tôm hùm và than đá.

Úc là một trong số ít quốc gia phát triển trên thế giới có thặng dư thương mại với Trung Quốc. Bộ trưởng David Littleproud cho hay ông đang liên hệ để yêu cầu một cuộc đối thoại với người đồng cấp Trung Quốc về mức thuế quá cao áp lên rượu vang Úc. Theo CNBC, Canberra cũng đã gửi yêu cầu lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, muốn WTO làm trung gian hòa giải tranh chấp về thuế đối với lúa mạch Úc tại thị trường Trung Quốc.


NTTD
Cùng chuyên mục