Thêm ổ dịch Covid-19 tại Bắc Kinh, doanh nghiệp du lịch Trung Quốc đứng trước cửa tử

15/06/2020 16:11 GMT+7
Zhang Ban, một nhân viên điều tour tại công ty dịch vụ du lịch Thượng Hải than vãn rằng dịch Covid-19 đã làm giảm thu nhập của anh này tới hơn 50%. “Ngành du lịch là một trong những nạn nhân chính của dịch Covid-19. Ngành du lịch bị tê liệt vì dịch bệnh và chúng tôi giờ đây cảm thấy vô vọng”.
Thêm ổ dịch Covid-19 tại Bắc Kinh, doanh du lịch Trung Quốc đứng trước cửa tử - Ảnh 1.

Doanh nghiệp du lịch Trung Quốc điêu đứng nhiều tháng trời do dịch Covid-19, giờ đây tiếp tục đứng trước cửa tử khi ổ dịch mới bùng phát tại Bắc Kinh

Kể từ tháng 4, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Trung Quốc, hầu hết các công ty sản xuất và dịch vụ nước này đã khởi động, vận hành trở lại. Nhưng điều này không đúng với lĩnh vực du lịch, nơi hàng triệu lao động đang bị đe dọa sinh kế khi lượng du khách giảm mạnh từ đầu tháng Giêng đến nay. Ước tính, có khoảng 30 triệu lao động tại Trung Quốc đang làm việc trong ngành du lịch.

Một cuộc khảo sát của Tập đoàn tư vấn Boston hồi tháng 5 cho thấy khoảng 59% số người được hỏi cho biết họ quan ngại về điều kiện tài chính hiện tại và sẽ thận trọng trong quyết định đi du lịch. Thêm vào đó, sự bùng phát một ổ dịch tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hồi cuối tuần qua đang làm gia tăng thêm tâm lý lo ngại của người dân khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như tàu hỏa, xe khách.

Zhang Wenjie, chủ sở hữu một xưởng bảo trì ô tô cho hay: “Tôi đã có kế hoạch đưa hai con đến Bắc Kinh du lịch trong kỳ nghỉ hè, nhưng đã hoãn lại ngay sau tin tức bùng phát dịch trở lại tại đây. An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu”.

Bắc Kinh đã đóng cửa chợ rau quả lớn nhất thành phố vào hôm 13/6 sau khi phát hiện hơn 50 ca nhiễm Covid-19 có liên quan đến khu vực này. Các lệnh phong tỏa đang mở rộng vào hôm 15/6 khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng lên.

Zhang Ban, một nhân viên điều tour tại công ty dịch vụ du lịch Thượng Hải đã bị cắt giảm lương từ tháng 2; giờ đây càng lo lắng khi triển vọng kinh doanh ngày càng ảm đạm. “Khối lượng công việc của chúng tôi tiếp tục giảm khi lượng khách du lịch vắng vẻ hơn. Như một lẽ tất yếu, ban lãnh đạo có thể sẽ buộc phải sa thải nhân viên để giữ cho doanh nghiệp sống sót qua cơn suy thoái”.

Năm 2019, ngành du lịch Trung Quốc đóng góp tới 5,73 nghìn tỷ NDT doanh thu vào GDP quốc gia, tức năng 11,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, lượng khách du lịch nội địa lên tới 65,7 triệu lượt, thu về 131 tỷ USD doanh thu, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách du lịch quốc tế lên tới 162 triệu lượt, tăng 4,6% so với năm 2018. Du khách Trung Quốc cũng được coi là động lực lớn nhất của ngành du lịch toàn cầu, với mức chi tiêu lớn tương đối. 

Nhưng sự bùng phát dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch Trung Quốc gần như đóng băng. Nhiều ước tính cho thấy các biện pháp phong tỏa quốc gia từ tháng 2/2020 đến tháng 4/2020 đã gây ra tổn thất ít nhất 1 nghìn tỷ NDT cho ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp báo lỗ lớn. 

Công ty phát triển du lịch Hoàng Sơn niêm yết tại Thượng Hải báo cáo lỗ ròng 77,2 triệu NDT (10,9 triệu USD) trong quý I/2020, kém xa mức lợi nhuận 23,6 triệu NDT hồi quý I/2019. Ban lãnh đạo công ty thậm chí dự báo lợi nhuận tiếp tục âm trong quý II khi lượng khách du lịch tiếp tục giảm mạnh. 

Kể từ tháng 3, khi dịch bệnh lan rộng ra các quốc gia khác trên thế giới, Bắc Kinh đã tuyên bố hạn chế các chuyến bay quốc tế để kiểm soát các ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh từ nước ngoài, đồng thời bắt buộc cách ly kiểm dịch 14 ngày với công dân đại lục ở nước ngoài về nước. Điều này chính thức khiến Trung Quốc mất đi lượng khách du lịch quốc tế lớn.

Ông Trịnh Honggang, giám đốc điều hành của Kate Travel (trụ sở tại Thượng Hải), cho biết cắt giảm việc làm dường như là viễn cảnh không thể tránh khỏi đối với thị trường trong bối cảnh tình hình kinh doanh tệ như hiện nay. “Chúng tôi đã cố gắng giữ chân nhân viên bằng cách giảm lương và giảm chi phí vận hành, nhưng không thể duy trì hoạt động kinh doanh nếu không cắt giảm biên chế. Hoàn cảnh thảm khốc buộc chúng ta phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã về sự sống còn của doanh nghiệp”.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục