Thị phần hạt tiêu Việt tăng mạnh ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu sắp tăng mua...

13/03/2022 14:46 GMT+7
Năm 2021, trị giá nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 17,5 triệu USD, giảm 0,8% so với năm 2020. Tuy nhiên, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 27,06% năm 2020 lên 32,23% năm 2021.

Việt Nam là nước cung cấp hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc

Năm 2021, chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu giảm. Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong năm 2021 đạt 54,31 triệu USD, giảm 16,7% so với năm 2020.

Thị phần hạt tiêu Việt tăng mạnh ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu sắp tăng mua... - Ảnh 1.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Cơ cấu nguồn cung: Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc giảm từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Ấn Độ, Hồng Kông. Tuy nhiên, trị giá nhập khẩu từ hai thị trường trên ở mức thấp. 

Số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, trị giá nhập khẩu hạt tiêu của nước này năm 2021 từ Indonesia đạt 27,43 triệu USD, giảm 19,1% so với năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,02% năm 2020 xuống 50,5% năm 2021. 

Năm 2021, trị giá nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 17,5 triệu USD, giảm 0,8% so với năm 2020. Tuy nhiên, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 27,06% năm 2020 lên 32,23% năm 2021.

Năm 2021, Việt Nam là nước cung cấp hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc, sau Indonesia.

Thị phần hạt tiêu Việt tăng mạnh ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu sắp tăng mua... - Ảnh 2.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc năm 2022 tiếp tục chưa thuận lợi với Việt Nam do chính sách “Zezo Covid” của nước này. Hiện Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của hạt tiêu Việt Nam, đứng sau Mỹ. Vụ hạt tiêu năm qua ở Trung Quốc giảm do thời tiết không thuận lợi. Do đó, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu hạt tiêu trong những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nước này giảm mạnh nhập khẩu kể từ giữa năm, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cay ở Trung Quốc giảm và nhu cầu của các công ty chế biến cũng giảm.

Năm nay, do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, các hãng khai thác tàu trung chuyển quốc tế vẫn khó vận chuyển hàng tới Trung Quốc. Động thái này có thể khiến cung ứng hạt tiêu sang Trung Quốc vẫn chậm trong những tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc sẽ vẫn tăng mạnh vào dịp đầu năm mới 2022. Nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở khâu xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc sẽ tác động tích cực lên lượng và giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam.

Hạt tiêu Việt Nam đang ngày càng được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Do đó, nếu đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu trong các tháng đầu năm nay, chắc chắn các thương nhân Trung Quốc sẽ dành ưu tiên cho hạt tiêu Việt Nam.

Nhà nhập khẩu sẽ bắt đầu tăng mua kể từ tháng 4

Giá tiêu hôm nay (13/3) tại thị trường trong nước tiếp tục ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 77.500 – 81.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 77.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (78.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (79.000 đồng/kg); Bình Phước (80.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 81.000 đồng/kg.

Tuy vậy, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới, đơn vị này ghi nhận thị trường tuần này phản ứng trái chiều với duy nhất giá tiêu đen nội địa của Việt Nam tăng. Giá tiêu Ấn Độ phản ứng tiêu cực trong tuần này do sự suy yếu của đồng Rupee Ấn Độ so với đồng USD, ghi nhận mức giảm giá 1%.

Thị phần hạt tiêu Việt tăng mạnh ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu sắp tăng mua... - Ảnh 3.

Giá tiêu hôm nay (13/3) tại thị trường trong nước tiếp tục ổn định ở một số địa phương.

Hiện vụ tiêu trong nước đang thu hoạch rộ, nên các nhà nhập khẩu muốn chờ đợi nguồn cung dồi dào và giá cả dịu bớt. Dự kiến họ sẽ bắt đầu tăng mua kể từ tháng 4/2022 trở đi, khi Việt Nam vào thu hoạch giai đoạn cuối. Do vậy thị trường trong giai đoạn này đang bị chững lại.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 2 đạt 11 nghìn tấn, trị giá 51 triệu USD, giảm 30,3% về lượng và giảm 31% về trị giá so với tháng 1, so với tháng 2/2021 giảm 17,6% về lượng nhưng tăng 32,3% về trị giá.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta ước đạt 27 nghìn tấn, trị giá 125 triệu USD, giảm 11,2% về lượng, nhưng tăng 43,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thị phần hạt tiêu Việt tăng mạnh ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu sắp tăng mua... - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Tháng 2/2022 là số liệu ước tính

Thị phần hạt tiêu Việt tăng mạnh ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu sắp tăng mua... - Ảnh 5.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Tháng 2/2022 là số liệu ước tính

Tháng 2, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 4.654 USD/tấn, giảm 1% so với tháng 1, nhưng tăng 60,6% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 4.681 USD/tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 1 so với tháng 12/2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất  và Hàn Quốc. So với tháng 1, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Philippines.

Tháng 1, hầu hết các chủng loại hạt tiêu xuất khẩu giảm (tính theo lượng), ngoại trừ hạt tiêu trắng tăng 51,3% so với tháng 12/2021 và tăng 94,3% so với tháng 1. Xuất khẩu hạt tiêu trắng tăng và là điểm sáng trong xuất khẩu hạt tiêu trong tháng đầu tiên của năm nay.

Về triển vọng năm 2022, hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hạt tiêu đều có chung một kỳ vọng là giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng do cung - cầu hạt tiêu đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, năm 2022, giá xuất khẩu hạt tiêu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, tác động tích cực lên ngành. Ngành hạt tiêu tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.

Các chuyên gia nhận định, để duy trì được mức giá cao trong những năm tiếp theo, việc kiểm soát sự gia tăng về nguồn cung là một trong những yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, nông dân cần thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mặc dù đứng đầu về xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu nhưng đến nay hạt tiêu của Việt Nam vẫn chưa được biết đến tại nhiều thị trường. Do đó, xây dựng thương hiệu cũng là điều mà ngành hạt tiêu cần chú trọng trong thời gian tới.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục