Dự báo mới bất ngờ về giá và thị trường hạt tiêu trong năm 2022
Nguồn cung hạt tiêu trên thị trường đang bị ảnh hưởng mạnh
Giá tiêu hôm nay (8/1) duy trì đà giảm với mức điều chỉnh là 500 đồng/kg tại một số địa phương. Trong đó, mức giá thấp nhất theo ghi nhận hiện là 78.500 đồng/kg.
Đồng Nai đang là địa phương có mức giá tiêu thấp nhất, đạt 78.500 đồng/kg. Hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt điều chỉnh giao dịch về mức 80.000 đồng/kg và 81.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không ghi nhận thay đổi mới so với giá tiêu hôm qua, gồm Gia Lai với mức 79.000 đồng/kg và Đắk Lắk, Đắk với mốc 80.000 đồng/kg.
Tháng 12/2021, giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa đã ghi nhận sự sụt giảm, giao dịch diễn ra không sôi động. Nhu cầu thu mua xuất khẩu thấp do các thị trường đang trong kỳ nghỉ lễ. Trong khi tỉnh Đắk Nông bắt đầu bước vào vụ thu hoạch đã đẩy giá hạt tiêu giảm. Dự kiến giá hạt tiêu sẽ tiếp tục giảm, ít nhất qua kỳ nghỉ năm mới 2022.
Giá tiêu trong nước đang chịu tác động của giá xuất khẩu. Cuối năm 2021, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm mạnh ở hầu hết các nước sản xuất, ổn định ở Malaysia, tăng tại Việt Nam đối với chủng loại hạt tiêu đen 550g/l. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm ở Indonesia và Việt Nam, nhưng tăng tại Malaysia.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, cuối tháng 12/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm lần lượt 90 USD/tấn và 300 USD/tấn so với ngày 30/11/2021, xuống còn 4.200 USD/tấn và 6.200 USD/tấn. Ngược lại, giá hạt tiêu đen loại 550g/l xuất khẩu tăng 10 USD/tấn so với ngày 30/11/2021, lên 4.400 USD/tấn.
Dự báo năm 2022, giá hạt tiêu thế giới tiếp tục được hỗ trợ do nguồn cung khan hiếm do tình trạng mất mùa tại các nước sản xuất chính. Theo Hiệp hội Hạt tiêu thế giới (IPC), Brazil hiện là quốc gia duy nhất có nguồn cung tăng do vụ thu hoạch ở phía Bắc của nước này, trong khi các quốc gia khác đều khan hàng. Tin tức về vụ mới của Việt Nam không mấy khả quan khiến khách hàng có thể sẽ chuyển sang mua hạt tiêu Brazil nhiều hơn do giá cước vận tải tốt hơn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại Ấn Độ cải thiện khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau một thời gian dài bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Giá hạt tiêu tăng mạnh thời gian qua dẫn đến việc nông dân và các đại lý ở các thị trường sơ cấp giữ hàng không bán với hy vọng giá sẽ tăng thêm. Do đó, nguồn cung trên thị trường đã và đang bị ảnh hưởng mạnh, giá lên xuống theo đó cũng biến động mạnh theo.
Hạt tiêu Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu
Không chỉ tăng trưởng về giá trị, năm 2021 hạt tiêu Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về sản lượng xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu với việc cung cấp 60% nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu của thế giới.
Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tháng 12/2021 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 71 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với tháng 11/2021, so với tháng 12/2020 tăng 22,9% về lượng, nhưng giảm 8,5% về trị giá. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 261 nghìn tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020. Theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 4.703 USD/tấn, tăng 1,5% so với tháng 11/2021 và tăng mạnh 69,9% so với tháng 12/2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.593 USD/ tấn, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ASEAN giảm mạnh. Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng cả về lượng và trị giá, gồm: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Pakistan, Hà Lan, Hàn Quốc, Anh. Ngược lại, lượng hạt tiêu xuất khẩu Ấn Độ, Philipines, Ai Cập giảm mạnh.
Năm 2021, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu cũng có sự thay đổi khá lớn. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại đã qua sơ chế hoặc chế biến chuyên sâu. Ngoài ra, ngành hạt tiêu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhằm phục vụ cho ngành sản xuất mỹ phẩm, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người, khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu sử dụng làm gia vị cho các món ăn tại nhà hàng, khách sạn giảm.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2022, giá xuất khẩu hạt tiêu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, tác động tích cực lên ngành. Ngành hạt tiêu tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, tình hình kinh tế có tín hiệu phục hồi sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tăng. Trong khi đó, hạt tiêu của Việt Nam đã tạo được chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường Hoa Kỳ. Lợi thế cạnh tranh mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam so với các thị trường xuất khẩu khác khá lớn mặc dù Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ một số nước sản xuất như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, tuy nhiên lượng nhập khẩu từ các thị trường trên ở mức thấp.
Đến thời điểm này, hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hạt tiêu đều có chung một kỳ vọng là giá tiêu sẽ cao trong năm 2022. Hiệp hội Tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, tình hình xuất khẩu hạt tiêu trong năm 2022 sẽ tăng trở lại ngay trong quý I/2022 với nhu cầu thu mua trên thế giới ước tính từ 130.000 - 160.000 tấn, trong khi tổng sản lượng thu hoạch của Việt Nam cả năm chỉ khoảng 150.000 tấn. VPA cũng dự báo giá hạt tiêu sẽ không thể thấp trong năm nay do cung - cầu mới đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi.
Các chuyên gia nhận định, để duy trì được mức giá tiêu cao trong thời gian tới, việc kiểm soát sự gia tăng về nguồn cung là một trong những yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, nông dân cần thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mặc dù đứng đầu về xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu nhưng đến nay hạt tiêu của Việt Nam vẫn chưa được biết đến tại nhiều thị trường. Do đó, xây dựng thương hiệu cũng là điều mà ngành hạt tiêu cần chú trọng trong thời gian tới.
VPA cho biết, châu Á hiện là khu vực chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất hồ tiêu từ Việt Nam, chiếm 45,8% với tổng lượng nhập khẩu, đạt 120.801 tấn, so với năm trước lượng nhập khẩu giảm 17%. Trong đó lượng nhập khẩu của Trung Quốc đạt 38.259 tấn, giảm 31,7%.
Trong khi đó, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất nhập khẩu tăng 20,3%, đạt 15.686 tấn. Nhập khẩu của Ấn Độ giảm nhẹ 0,3% đạt 12.557 tấn.
Một số nước có lượng nhập khẩu tăng như Hàn Quốc, Iran,… Nhập khẩu giảm ở Philippine, Thái Lan...
Nhập khẩu của châu Mỹ chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 chiếm 24,9%, đạt 65.693 tấn, tăng 8,3% so với năm trước. Trong đó Mỹ tiếp tục là quốc gia nhập khẩu hồ tiêu nhiều nhất từ Việt Nam, đạt 59.778 tấn, tăng 8,7%.
Nhập khẩu cũng tăng 14,2% ở Canada, tăng 332,1% ở El Salvador và tăng 63,5% ở Guatemala. Mexico nhập khẩu giảm 22%.
Ở khu vực châu Âu, tỷ trọng nhập khẩu chiếm 23,7% đạt 62.549 tấn và tăng 5,1%. Đứng đầu nhập khẩu là Đức đạt 11.783 tấn, tăng 8,3%; Hà Lan đạt 10.140 tấn, tăng 26,2%; Anh: 6.037 tấn, tăng 9,2%; Pháp 5.606 tấn, tăng 37,9%. Nhập khẩu giảm ở Nga, Ireland, Ba Lan, Israrel, Ukraina…
Lượng nhập khẩu của khu châu Phi giảm mạnh 30,6% đạt 14.649 tấn với hầu hết các quốc gia đều có lượng nhập khẩu giảm như Ai Cập: 6.107 tấn, giảm 33,2%; Nam Phi: 3.028 tấn, giảm 9,2%; Senegal: 1.344 tấn, giảm 46%; Gambia: 896 tấn, giảm 24,3%.
Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu củ Việt Nam năm 2021 là Đức, Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Anh, Pakistan, Ấn Độ…