Biến động mạnh, dự báo "nóng" về giá hạt tiêu khi vào chính vụ thu hoạch

16/02/2022 12:00 GMT+7
Giá hạt tiêu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn do Việt Nam và Brazil bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, giá hạt tiêu thế giới sẽ không giảm mạnh do một số quốc gia sản xuất hạt tiêu như Indonesia, Ấn Độ lại đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Thị trường hạt tiêu sôi động hơn bởi Trung Quốc và Việt Nam

Đầu tháng 02/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu tại các nước sản xuất biến động không đồng nhất so với cuối tháng 01/2022. Tại Brazil, ngày 9/2/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu ổn định ở mức 3.900 USD/tấn so với ngày 28/1/2022. Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 9/2/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 5.200 USD/tấn và 7.600 USD/tấn so với ngày 28/1/2022.

Biến động mạnh, dự báo 'nóng' về giá hạt tiêu khi vào chính vụ thu hoạch - Ảnh 1.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9/2/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu ổn định ở mức 4.050 USD/tấn và 4.250 USD/tấn so với ngày 28/1/2022. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 6.050 USD/tấn so với ngày 28/1/2022.

Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 8/2/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 78 USD/tấn so với ngày 28/1/2022, lên mức 4.211 USD/tấn. Ngược lại, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 79 USD/tấn so với ngày 28/1/2022, xuống còn 6.974 USD/tấn.

Tại Ấn Độ, ngày 7/2/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 21 USD/tấn so với ngày 28/1/2022, xuống còn 6.695 USD/tấn. 

Dự báo trong ngắn hạn, thị trường hạt tiêu thế giới sẽ sôi động hơn khi Trung Quốc và Việt Nam đã quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Giá nhìn chung sẽ không có sự biến động mạnh. Nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng trở lại, trong khi nguồn cung được bổ sung từ Việt Nam.

Biến động mạnh, dự báo 'nóng' về giá hạt tiêu khi vào chính vụ thu hoạch - Ảnh 2.

Trồng tiêu hữu cơ cho thu nhập kinh tế khá cao. Ảnh: Vinacafe

Giá tiêu hôm nay (16/2) tại thị trường trong nước tiếp tục tăng nhẹ ở một số địa phương, giao dịch từ 82.500 – 85.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 82.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (83.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (84.000 đồng/kg); Bình Phước (85.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 85.500 đồng/kg.

Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Đắk Song, sản lượng hạt tiêu trên địa bàn huyện năm 2021 ước đạt trên 32.500 tấn, bằng 103,8% so với kế hoạch năm. Hiện nhiều hộ dân trên địa bàn huyện áp dụng phương pháp sản xuất hạt tiêu hữu cơ, thuận tự nhiên, an toàn thực phẩm. Xu hướng sản xuất hạt tiêu chất lượng cao sẽ giúp sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao. Ngay cả đối với thị trường Trung Quốc, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách khắt khe với hàng loạt quy định mới về các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Giá hạt tiêu thế giới sẽ không giảm mạnh 

Theo báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 1/2022 đạt 15.784 tấn, tăng 735 tấn, tức tăng 4,88 % so với tháng 12/2021 và giảm 1.018 tấn, tức giảm 6,06% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 đạt 74,18 triệu USD, tăng 3,30 triệu USD, tức tăng 4,66 % so với tháng trước và tăng 25,70 triệu USD, tức tăng 53,02 % so với cùng kỳ năm trước.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng 1/2022 đạt 4.700 USD/tấn, giảm 0,21 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 12/2021.

Biến động mạnh, dự báo 'nóng' về giá hạt tiêu khi vào chính vụ thu hoạch - Ảnh 3.

Giá hạt tiêu thế giới sẽ không giảm mạnh do một số quốc gia sản xuất hạt tiêu như Indonesia, Ấn Độ lại đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Năm 2021, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam có sự chuyển dịch. Ngành hàng hạt tiêu Việt Nam tăng xuất khẩu hạt tiêu trắng và hạt tiêu trắng xay, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu đen xay giảm. 

Mặc dù vậy, hạt tiêu đen vẫn là chủng loại xuất khẩu chính, tỷ trọng chiếm 74,3% tổng lượng và 70,8% tổng trị giá.

Cụ thể hạt tiêu đen: Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 194 nghìn tấn, trị giá 664,11 triệu USD, giảm 17,2% về lượng, nhưng tăng 29,6% về trị giá so với năm 2020. 

Năm 2021, thị trường xuất khẩu hạt tiêu đen của Việt Nam lên tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ngành hạt tiêu Việt Nam tập trung xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc (35,7 nghìn tấn); Hoa Kỳ (34,8 nghìn tấn); Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (15,2 nghìn tấn); Ấn Độ (9,2 nghìn tấn); Đức (6,3 nghìn tấn). 

Năm 2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính giảm, ngoại trừ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (tăng 17,7%) và Đức (tăng 12,9%). 

Về hạt tiêu trắng: Năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu trắng của Việt Nam đạt xấp xỉ 22,3 nghìn tấn, trị giá 113 triệu USD, tăng 1,0% về lượng và tăng 56% về trị giá so với năm 2020. 

Hạt tiêu trắng của nước ta trong năm 2021 xuất khẩu sang khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hạt tiêu xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: Đức (4,77 nghìn tấn); Hoa Kỳ (2,57 nghìn tấn); Thái Lan (1,83 nghìn tấn); Trung Quốc (1,53 nghìn tấn); Hà Lan (1,44 nghìn tấn). 

Xuất khẩu hạt tiêu trắng sang Thái Lan tăng 1,8%; sang Trung Quốc tăng 15,8%; nhưng xuất khẩu sang Đức giảm 5,0%; sang Hoa Kỳ giảm 22,1%; sang Hà Lan giảm 13,3%.

Biến động mạnh, dự báo 'nóng' về giá hạt tiêu khi vào chính vụ thu hoạch - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá hạt tiêu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn do Việt Nam và Brazil bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, giá hạt tiêu thế giới sẽ không giảm mạnh do một số quốc gia sản xuất hạt tiêu như Indonesia, Ấn Độ lại đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu đen trên thế giới sẽ tiếp tục tăng. Theo nghiên cứu được công bố bởi Fior Markets, thị trường hạt tiêu đen toàn cầu dự kiến tăng từ 3,9 tỷ USD vào năm 2020 lên xấp xỉ 6 tỷ USD vào năm 2028.

Trong năm 2021, để phục vụ chế biến, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 25.359 tấn hạt tiêu các loại, giảm 36,4% so với năm 2020. Trong đó, tiêu đen đạt 18.677 tấn, tiêu trắng đạt 6.682 tấn.

3 quốc gia cung cấp hạt tiêu chủ yếu cho Việt Nam là Indonesia, Campuchia và Brazil chiếm 86%. So với năm 2020, lượng nhập khẩu từ Indonesia giảm 51,5% và từ Brazil giảm 42% trong khi nhập khẩu từ Campuchia tăng 123%.

Nhập khẩu hạt tiêu giảm mạnh trong năm 2021 là do sản lượng của các nguồn cung chính không dồi dào như những năm trước, trong khi giá cước vận chuyển cũng như giá hạt tiêu tăng cao cũng làm giảm sự hấp dẫn của tiêu nhập khẩu.

Còn đối với thị trường Campuchia, trước đây hạt tiêu Campuchia chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên có một lượng hạt tiêu Campuchia chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.

Nhìn chung nhập khẩu hạt tiêu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI với 19.155 tấn, chiếm 75,5% tổng lượng nhập khẩu.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục