Thị trường ảm đạm vẫn đón hơn 3.000 doanh nghiệp bất động sản mới
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản đầu năm 2019 đang có nhiều dấu hiệu chững lại, biểu hiện rõ nhất ở Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có thị trường bất động sản lớn nhất. Cụ thể, tại Hà Nội, nguồn cung bất động sản giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại TP.HCM, nguồn cung sản phẩm bất động sản giảm tới hơn 50% so với đầu năm 2018.
Nguyên nhân của tình trạng giảm nguồn cung là các dự án lớn ở 2 địa phương này đã bung hàng hầu hết vào quý 4/2018. Bên cạnh đó, việc chậm phê duyệt các dự án ở TP.HCM, việc thắt chặt tín dụng bất động sản được thực hiện từ năm 2017 và đặc biệt trong quý 4/2018… cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung bất động sản.
Thế nhưng, theo số liệu từ báo cáo tình hình kinh tế xã hội trong 5 tháng đầu năm 2019 của Tổng Cục Thống kê, cho biết 5 tháng qua cả nước có gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là hơn 6.697 tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao nhất là xây dựng với 7.100 doanh nghiệp (chiếm 13,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 0,2%; Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 6.800 doanh nghiệp (chiếm 12,7%), tăng 6%; Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 3.170 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 5,9%), tăng 21%.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 5 tháng đầu năm nay là 19.100 doanh nghiệp, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải là 6.371 doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại nhưng doanh nghiệp đăng ký thành lập vẫn "hót".
Có thể thấy, dù thị trường đang có những dấu hiệu chững lại nhưng bất động sản vẫn nằm trong tốp 3 lĩnh vực có doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm và tăng so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, vẫn còn nhiều yếu tố tích cực giúp cho thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định: nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở vẫn còn cao, đặc biệt là tại các đô thị lớn và các khu hành chính - kinh tế mới.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất sang Việt Nam giúp cho thị trường bất động sản công nghiệp gia tăng mạnh mẽ, kèm theo là các cơ sở nhà ở, dịch vụ dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp sẽ có cơ hội phát triển.
Việc tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ làm cho chất lượng của các khoản vay bất động sản sẽ chất lượng và lành mạnh hơn, giảm nợ xấu, đồng thời sẽ kích thích các nguồn vốn khác đầu tư vào bất động sản như: vốn tư nhân, kiều hối, vốn đầu tư từ nước ngoài, chứng khoán bất động sản.