Thị trường bất động sản quý IV/2022: Xuất hiện tín hiệu tích cực liệu có hồi phục?
Thị trường bất động sản xuất hiện nhiều tín hiệu tốt
Thị trường bất động sản đang nhận được sự quan tâm lớn từ các cơ quan đầu ngành, nhiều "nút thắt" về nguồn vốn, nguồn cung, hành lang pháp lý đang dần được tháo gỡ. Quan trọng nhất, Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ với rất nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh. Đặc biệt, Chỉ thị 13 tập trung đưa ra các giải pháp cho 2 nội dung quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật và các giải pháp tháo gỡ thủ tục đầu tư tăng nguồn cung cho thị trường.
Ngoài ra, mới đây Nghị định 65 sửa đổi bổ sung quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được ban hành, trong đó quy định rõ trong mục đích phát hành họ được phép cơ cấu lại nợ miễn là đảm bảo tuân thủ pháp luật, đảm bảo nghĩa vụ nợ vay với trái chủ.
Việc ban hành các chính sách nhằm giải quyết những điểm nghẽn của thị trường bất động sản là tín hiệu tích cực giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân dễ dàng tham gia thị trường, đẩy mạnh các hoạt động mua – bán, đưa thị trường bất động sản phát triển sôi động.
Đối với nguồn vốn thị trường bất động sản, từ đầu tháng 9, nhiều chính sách mới về tín dụng có chiều hướng tích cực cũng được thông qua. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm hạn mức tín dụng đối với một số ngân hàng, dao động trong khoảng từ 0,7 - 4%. Chưa kể, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo áp dụng lãi suất điều hành mới, tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4% lên 5%/năm. Hàng loạt ngân hàng thương mại cũng tăng biểu lãi suất huy động ngắn hạn.
Đánh giá triển vọng thị trường bất động sản quý IV/2022, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ mở bán 5.033 căn hộ cho thị trường. Khoảng 70% nguồn cung tương lai sẽ là các căn hộ hạng B. Trong đó, các quận, huyện Gia Lâm, Nam Từ Liêm và Thanh Xuân sẽ chiếm 80%. Các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đang tích cực tìm kiếm quỹ đất nhà ở tại các tỉnh lân cận vì nguồn cung từ các tỉnh này sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu nhà ở tại Hà Nội. Bên cạnh đó, thị trường Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ cung cấp khoảng 104.800 căn hộ. Theo đại diện Savills Hà Nội, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, sản phẩm với giá cả phải chăng và đa dạng dịch vụ tiện ích là những yếu tố then chốt để các dự án thành công.
Thị trường bất động sản cũng hứa hẹn sẽ lành mạnh hơn sau những động thái chấn chỉnh của Chính phủ. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua với những quy định mới giúp thanh lọc các dự án và chủ đầu tư yếu kém, hạn chế tình trạng đầu cơ. Từ đó, gia tăng chất lượng, sự an toàn, minh bạch và niềm tin cho thị trường, tạo ra lực đẩy giúp thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng.
Thị trường bất động sản cuối năm vẫn đối mặt với nhiều áp lực
Nhìn nhận một cách thực tế, thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, các chính sách mới ban hành chưa tháo gỡ trọn vẹn những bất cập hiện hữu.
Đơn cử như việc nới room tín dụng, các chuyên gia đánh giá giải pháp này chỉ có thể xem là tác động tâm lý giúp thị trường phục hồi đôi chút, nhưng chưa thể giúp tăng tốc. Vì hạn mức nới room tín dụng thấp, dư địa cho vay còn ít.
Với Nghị định 65, việc sửa đổi bổ sung một số quy định đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản một không gian dễ hơn trong việc xoay sở dòng tiền kinh doanh, tuy nhiên việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn với sự kiểm soát chặt chẽ.
Nhận định về những yếu tố tác động đến diễn biến của thị trường bất động sản quý IV/2022, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng những yếu tố có thể xem là thách thức đặt ra cho thị trường bất động sản là áp lực tăng lạm phát cộng với rào cản pháp lý chưa kịp thay đổi nhiều trong khi lãi suất ngân hàng có thể chưa được điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, tình trạng nguồn cung chưa được cải thiện, cơ cấu không đa dạng sẽ vẫn là "điểm nghẽn" lớn của thị trường trong khi phân khúc vốn dẫn dắt thị trường thời gian qua là đất nền được dự báo là sẽ tiếp tục bị quản lý chặt chẽ.
"Một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường không thể không kể đến là việc nguồn vốn tín dụng khả năng còn bị hạn chế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bất ổn, lạm phát duy trì ở mức cao; xu hướng tăng lãi suất, chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu,… Do đó, thị trường bất động sản quý IV/2022 sẽ có những sự trầm lắng nhất định khi mà hoạt động đầu cơ bất động sản giảm sút rõ rệt", ông Đính nhận định.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhìn nhận, trước tình trạng thị trường bất động sản cầm chừng, các doanh nghiệp "khóc than" do thiếu vốn. Ông Châu dự đoán diễn biến thị trường bất động sản trong 3 tháng cuối năm sẽ không có nhiều biến chuyển, khả năng sẽ "đi ngang", giữ nguyên trạng thái cầm chừng như hiện tại.
"Thông thường, quý cuối cùng của năm là thời điểm thị trường bất động sản bước vào giai đoạn giao dịch sôi động nhất, do nhu cầu mua nhà tăng cao khi người dân tích trữ được khoản tiền đáng kể như tiền thưởng Tết hay tiền kiều hối. Song nhìn vào thực tế hiện tại, khi những lực đẩy tích cực đến thị trường bất động sản không có nhiều và nếu có cũng không mạnh mẽ, thị trường sẽ không ghi nhận nhiều thay đổi. Khả năng cao, giá bất động sản tăng cao, giao dịch vẫn thấp, thanh khoản sản phẩm giảm cục bộ", ông Châu chia sẻ.