Thị trường "bốc hơi" 30 tỷ USD trong quý 1/2020, loạt công ty chứng khoán lao đao

20/04/2020 06:21 GMT+7
Thị trường chứng khoán trong quý 1/2020 "bốc hơi" hơn 30 tỷ đồng nên không khó hiểu khi nhiều công ty chứng khoán thua lỗ.

Quý 1/2020 được coi là khoảng thời gian đen tối của nhà đầu tư chứng khoán khi các chỉ số đồng loạt "rơi tự do". Đóng cửa phiên giao dịch 31/3/2020, VN-Index "chốt tháng" ở mức thấp 662,53 điểm, giảm 219,66 điểm, tương đương 25% so với ngày 28/2/2020.

Như vậy, VN-Index lần lượt "xuyên thủng" hai mốc quan trọng là 800 điểm và 700 điểm. Vốn hóa thị trường sàn TP.HCM "bốc hơi" 708.971 tỷ đồng (khoảng 30,2 tỷ USD) , tương đương 23,5% so với cuối tháng 2.

Trước đà "rơi tự do" của thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán sẽ không dễ dàng gì trên con đường tìm kiếm lợi nhuận. Báo cáo tài chính quý 1/2020 của những đơn vị đầu tiên công bố cho thấy những khoản lỗ không hề nhỏ.

Thị trường "bốc hơi" 30 tỷ USD trong quý 1/2020, loạt công ty chứng khoán lao đao - Ảnh 1.

Nhiều công ty chứng khoán thua lỗ trong quý 1/2020.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2020 mới được công bố của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong kỳ VDSC thua lỗ tới 88,4 tỷ đồng dù cùng kỳ năm ngoái lãi 21,1 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ theo quý 1 sâu nhất trong nhiều năm của VDSC.

VDSC đã lý giải cho con số thua lỗ này. Theo đó, nguyên nhân chính là kết thúc quý 1/2020, giá trị thường của hầu hết các cổ phiếu trên các sàn giao dịch đều sụt giảm mạnh. Chỉ số VN-Index và HNX-Index giảm tương ứng 32,4% và 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Do đó, hoạt động đầu tư tự doanh của công ty trong kỳ bị ảnh hưởng mạnh vì phải trích lập chi phí cho phần chênh lệch giảm giá tài sản tài chính vào cuối kỳ báo cáo.

Bên cạnh đó, các mảng hoạt động khác như môi giới, cho vay giao dịch ký quỹ cũng bị sụt giảm doanh thu so với cùng kỳ do chịu tác động của tình hình khó khăn chung.

Cụ thể hơn, hoạt động tự doanh khiến VDSC lỗ ròng 103 tỷ đồng. Các khoản đầu tư khiến VDSC lỗ lớn nhất chính là DIG (giá trị ghi sổ 161,15 tỷ đồng, giá trị đánh giá lại 102 tỷ đồng), BSR (68,9 tỷ đồng, 19,6 tỷ đồng), ACB (63,5 tỷ đồng, 50,2 tỷ đồng), DXG (35 tỷ đồng, 22,9 tỷ đồng), VPB (30 tỷ đồng, 22,3 tỷ đồng),…

Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVS) cũng phải gánh chịu thua lỗ. Trong kỳ, BVS lỗ 22,7 tỷ đồng dù cùng kỳ năm ngoái lãi 29 tỷ đồng. Đây là kỳ lợi nhuận âm đầu tiên của BVS kể từ quý 1/2011, thời điểm khủng hoảng kinh tế đang lan rộng. Ở kỳ đó, BVS lỗ 54 tỷ đồng.

Giống như VDSC, tự doanh kém là nguyên nhân chính khiến BVS thua lỗ. Trong kỳ, hoạt động tự doanh đã khiến BVS lỗ ròng hơn 39 tỷ đồng. Xét về tỷ lệ, VAF là cổ phiếu khiến BVS lao đao nhất. Giá trị ghi sổ của VAF là 9,2 tỷ đồng nhưng giá trị đánh giá lại chỉ là 2,9 tỷ đồng.

Đứng sau VAF về khả năng khiến BVS thua lỗ là HVX (10,3 tỷ đồng, 2,5 tỷ đồng), TIX (30,7 tỷ đồng, 29,7 tỷ đồng), FPT (24,4 tỷ đồng, 19,3 tỷ đồng), ACB (25,5 tỷ đồng, 20,4 tỷ đồng). Các cổ phiếu khác khiến công ty lỗ thêm khoảng 20 tỷ đồng.

Trong 3 công ty chứng khoán đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 1/2020, Tân Việt (TVSI) là đơn vị duy nhất "lội ngược dòng". Dù không thua lỗ nhưng lợi nhuận của TVSI vẫn tăng trưởng âm. Lợi nhuận sau thuế quý 1 của công ty chỉ đạt 29,2 tỷ đồng, giảm 10,9 tỷ đồng, tương đương 27,2% so với quý 1/2019.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán và lãi từ các khoản cho vay và phải thu của TVSI giảm đáng kể xuống 24,8 tỷ đồng và 32,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động tự doanh lại hiệu quả hơn so với BVS và VDSC nên công ty không thua lỗ.

Tiểu My
Cùng chuyên mục