Thị trường chứng khoán 6/3: Vẫn tiêu cực ngắn hạn
Các công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty chứng khoán Vndirect (VND) và Công ty chứng khoán Tân Việt có quan điểm trái chiều khi dự báo xu hướng thị trường chứng khoán hôm nay 6/3.
TVSI: Duy trì vị thế quan sát
VN-Index đóng cửa tại 893,31 điểm, tăng 3,94 điểm. Độ rộng thị trường cân bằng giữa số mã tăng và giảm giá. Trong khi đó, thanh khoản đạt 2.920 tỷ, tăng 10% lên tương đương mức bình quân 20 phiên gần nhất.
Thị trường hồi phục tốt trước khi thu hẹp đà tăng về cuối phiên. Áp lực bán chốt lời đang lớn dần trong khi lực cầu tỏ ra thận trọng hơn khiến cho đà hồi phục của chỉ số có thể sẽ gặp khó khăn. VNindex dự báo sẽ hình thành dao động giằng co trong một vài phiên tới trước khi quay trở lại nhịp hồi phục.
Chúng tôi cho rằng NĐT vẫn nên duy trì vị thế quan sát. Vùng hỗ trợ 880 – 900 điểm, vùng kháng cự 918 – 925 điểm, vùng kháng cự tiếp theo 940 – 950 điểm.
Nhận định Dòng cổ phiếu nổi bật:
Nhóm Chứng khoán tiếp tục ghi nhận diễn biến hồi phục tốt tại HCM, SSI. Đà tăng vẫn mang tính chất hồi phục kỹ thuật, do đó hiện còn sớm để kỳ vọng về một xu hướng tăng mạnh mẽ.
Nhóm Ngân hàng chịu áp lực bán chốt lời mạnh khiến nhiều cổ phiếu đánh mất đà tăng về cuối phiên. Rủi ro giảm sâu không quá lo ngại. Nhiều khả năng nhóm này sẽ hình thành dao động giằng co trong một vài phiên tới.
Nhóm Phân bón không duy trì được diễn biến tích cực phiên trước đó. Tiếp tục đánh giá kém hấp dẫn ở thời điểm hiện tại.
VND: Tâm lý dao động thất thường
Thị trường có phiên tăng điểm trở lại trong bối cảnh hồi phục chung của thị trường chứng khoán quốc tế. Tuy nhiên, mức độ hồi phục là khá yếu khi trạng thái tăng điểm tích cực chỉ được duy trì trong phiên giao dịch sáng và dần đuối sức trong phiên chiều khi áp lực bán trở lại. Thanh khoản toàn thị trường không bao gồm giao dịch thỏa thuận có sự cải thiện đáng kể khi đạt mức gần 4.500 tỷ đồng phần nhiều đến từ sự sôi động của SHB.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phần đa hồi phục trong đó đóng góp tích cực cho đà tăng của chỉ số là: VCB; MSN; HVN; BID; VPB; VHM…Ở chiều giảm các cổ phiếu như: CTG; TCB; FPT; STB; VNM; BVH…tạo ra lực cản nhẹ cho đà tăng của chỉ số. Số lượng cổ phiếu tăng điểm ở tương quan áp đảo trong phiên sáng nhưng đã có sự thay đổi trong phiên giao dịch chiều khi nhiều cổ phiếu quay đầu giảm điểm khiến số lượng cổ phiếu giảm nhỉnh hơn khi đóng phiên giao dịch. Nhiều cổ phiếu duy trì được mức tăng tốt trong phiên nay như: SHB +7,5%; PME +6,9%; HVN +6,4%; ACV +4,6%; PVT +4,6%; MSN +3,9%…cùng với nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ khác. Ở chiều giảm một số cổ phiếu chịu áp lực giảm rõ rệt như: LPB -6,5%; ROS -6,4%; DIG -2,6%; STB -2,4%; GEX -2,3%…
Khối nhà đầu tư ngoại giao dịch ở quy mô thấp hơn trung bình và khối này chỉ bán ròng nhẹ hơn 10 tỷ đồng trên sàn HOSE. Các cổ phiếu được khối này tích cực mua vào như: VCB; VHM; BID; SSI; MSN; HCM….Trong khi đó áp lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu: STB; CTG; HPG; FRT; HDB…
Diễn biến phiên giao dịch hôm qua cho thấy mức độ hồi phục yếu hơn kỳ vọng mặc dù nhận được sự hỗ trợ tốt từ đà tăng của thị trường quốc tế và khối ngoại tạm dừng áp lực bán ròng. Sự hào hứng chỉ duy trì được trong phiên giao dịch sáng và khi lực cầu chững lại thì áp lực cung ngay lập tức xuất hiện trở lại khiến nhiều cổ phiếu quay đầu.
Những người sở hữu cổ phiếu có lý do để thận trọng khi gánh chịu các áp lực tâm lý và rủi ro trong các phiên giao dịch trước và những phiên tăng như hôm nay là cơ hội để họ tận dụng giảm tỷ trọng cổ phiếu.
Trạng thái tâm lý dao động thất thường như hiện tại thường khá phổ biến ở các vùng đáy ngắn hạn của thị trường. Nhìn chung, mức độ phân hóa vẫn duy trì và thanh khoản ở mức tốt là điểm tích cực hiếm hoi cho giai đoạn hiện tại. Chúng tôi đánh giá xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn của thị trường vẫn chưa có nhiều thay đổi và chỉ số không có sự đồng thuận để hồi phục mạnh nên sự hồi phục đang phụ thuộc vào sức khỏe nội tại của từng cổ phiếu.
BVSC: Khó khăn cho xu thế phục hồi ngắn hạn
Vn-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên cuối tuần. Thị trường vẫn được chúng tôi kỳ vọng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 905-910 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đà hồi phục của thị trường sẽ đan xen các nhịp rung lắc, điều chỉnh và kèm theo sự luân phiên dịch chuyển của dòng tiền qua các nhóm cổ phiếu.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại và rủi ro về sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước. Những yếu tố này nếu còn tiếp diễn sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với xu thế hồi phục của thị trường trong ngắn hạn.
Chiến lược đầu tư:
- Duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 20-30% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường và các cổ phiếu để bán giảm tỷ trọng, đặc biệt là khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 905-910.
- Nhà đầu tư sau khi đã thực hiện giải ngân tại vùng hỗ trợ 860-880 điểm, có thể tiếp tục xem xét thực hiện mua nâng tỷ trọng khi thị trường điều chỉnh quanh vùng 880-885.