Thị trường giá cả: Phiên cuối tuần, cà phê và tiêu đồng loạt tăng
Giá cà phê đồng loạt tăng
Theo số liệu từ trang Diễn đàn của người làm cà phê, hai sàn giao dịch trên thị trường cà phê thế giới đồng loạt sắc xanh. Giá robusta kỳ hạn tháng 11/2019 tăng 7 USD, tương đương 0,53%, lên 1.321 USD/tấn. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2019 đảo chiều tăng 0,05 US cent, tương đương 0,05% lên 100,90 US cent/lb.
Người trồng và thương lái có thể đang nắm giữ khoảng 5% lượng cà phê trong niên vụ, tương đương 85.000 tấn tính đến giữa tháng 9, theo khảo sát được thực hiện bởi Bloomberg. Cũng trả lời phỏng vấn, ông Lê Tiến Hùng, Giám đốc điều hành của công ty Simexco Đắk Lắk cho biết xuất khẩu cà phê có khả năng giảm trong tháng tới.
Lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng đi xuống do tồn kho giảm kèm giá thấp khiến người nông dân không muốn bán ra. Nông dân đã giữ lại hàng kể từ khi giá cà phê gần chạm đáy 9 năm. Tính trong năm nay, giá cà phê robusta giảm khoảng 14% do dư cung. Giới đầu tư dự báo giá cà phê thậm chí tiếp tục giảm hơn nữa.
Theo Reuters, hoạt động giao dịch cà phê có thể vẫn trầm lắng trong tuần này do các thương nhân chờ đợi tín hiệu mới khi niên vụ 2019/2020 sẽ bắt đầu vào tuần sau. Một chuyên gia phân tích thị trường tại Tây Nguyên cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo về sản lượng của niên vụ 2019/20. Tuy nhiên, có thể sản lượng niên vụ tới sẽ cao hơn so với năm nay.
Giá hạt tiêu tại Đồng Nai lấy lại mức 39.000 đồng/kg
Theo nguồn tin từ giatieu.com, trên thị trường thế giới, tại sàn Kochi - Ấn Độ hôm qua (28/9), giá giao dịch chốt ở 34.430 rupee/tạ, giảm 70 rupee, tương đương 0,2%. Giá tiêu kỳ hạn tháng 9/2019 vẫn quanh mức 34.500 đồng/kg. Giá hạt tiêu kỳ hạn tháng 9 trên sàn SMX – Singapore chốt ở 6.500 USD/tấn.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) ngày 28/9/2019 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 325,77 VND/INR.
Bộ Công Thương cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói chung và hồ tiêu nói riêng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp (trong đó có ngành hồ tiêu), có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay này.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu cần triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về duy trì, giám sát, kiểm tra diện tích trồng hồ tiêu đúng theo quy hoạch. Các cơ quan khuyến khích các mô hình liên kết chuỗi từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ hồ tiêu thông qua các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất tại địa phương. Thông qua các mô hình này, người trồng hồ tiêu sẽ thực hiện thâm canh bền vững, tiến tới áp dụng các chứng chỉ về nông nghiệp sạch nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm hồ tiêu của địa phương.