Thị trường xuất khẩu gạo chững lại

08/07/2020 06:06 GMT+7
Sau thời gian sôi động sau khi Chính phủ mở cửa vào tháng 5 và nửa đầu tháng 6, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chững lại và trầm lắng.

Chính phủ Philippines ngừng kế hoạch nhập khẩu gạo, từ bỏ hoàn toàn việc mua số lượng 300.000 tấn gạo G2G mà họ mở thầu hôm 8/6/2020, trong đó Việt Nam thắng thầu 60.000 tấn đã khiến cho giá lúa gạo trên thị trường càng thêm chao đảo. 

Bên cạnh đó, so với gạo xuất của Ấn Độ thì giá cạnh tranh hơn Việt Nam, phía người mua cũng biết Việt Nam sắp thu hoạch lúa rộ lúa Hè - Thu nên chưa vội mua. Những nguyên nhân đó đã khiến cho thị trường lúa gạo chững lại.

Thị trường xuất khẩu gạo chững lại - Ảnh 1.

Thị trường giao dịch lúa gạo chững lại sau những phiên khởi sắc

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến hết tháng 6, cả nước gieo cấy được 4,7 triệu hecta lúa, sản lượng ước đạt 22,4 triệu tấn. Lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3,5 triệu tấn (tăng 4,4%), kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2019. Vụ Hè - Thu năm 2020, Việt Nam có tổng diện tích khoảng 1,7 triệu hecta, hiện tại đã thu hoạch khoảng trên 400.000 hecta. 

Tuy nhiên, do đầu ra hạn chế nên giá lúa hiện giảm khá mạnh, từ khoảng 5.500 đồng/kg còn dưới 5.000 đồng/kg. 

Thị trường xuất khẩu gạo chững lại - Ảnh 2.

Giá gạo ghi nhận đến cuối tháng 6/2020.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, hiện các doanh nghiệp gần như không có hợp đồng xuất khẩu lúa gạo mới với đối tác nước ngoài. Một số công ty lớn chỉ đang tập trung giao hàng cho các hợp đồng cũ đã ký trước đây.

Thị trường xuất khẩu gạo chững lại - Ảnh 3.

Gạo Ấn Độ đang cạnh tranh trực tiếp về giá với gạo Việt Nam

Theo chia sẻ của một thương nhân, vẫn có một số khách hàng Philippines đang tìm mua gạo OM 5451 loại 5% tấm Hè - Thu nhưng trả giá thấp. 

Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu chào giá dao động ở mức 420 USD/tấn, hàng container nhưng một số khách thương nhân Philippines chỉ trả ở mức 410-412 USD/tấn. Một số khách còn lại thì trả ở mức 405 USD/tấn, hàng tàu. Thời gian giao hàng khoảng 15 ngày nữa nên các doanh nghiệp chưa chốt giao dịch. Thương nhân này cũng cho rằng, thời gian tới giá gạo của Việt Nam có thể tiếp tục còn giảm.

Song vẫn còn một tia sáng mới, đó là hiện các nước vẫn còn dịch Covid-19 nên xuất khẩu gạo đến tháng 9-10 có thể khởi sắc trở lại. Ví dụ như Philippines, mỗi năm nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn, hiện họ mới nhập 1,3 triệu tấn. Như vậy, khoảng 1,7 triệu tấn còn lại có thể tháng 9-10 họ mới nhập vào.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong thời gian tới dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, cụ thể gạo sẽ tăng thêm 65% vào năm 2025. Bộ này cũng cho biết, khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, phía EU dành tổng lượng hạn ngạch cho Việt Nam là 80.00 tấn/năm, trong đó có 20.000 tấn gạo xay, 30.000 tấn gạo xát và 30.000 tấn gạo thơm là một cơ hội để gạo Việt Nam tăng sự hiện diện tại thị trường này. Song doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lúa gạo nội địa phải vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng mới có thể khai thác hết hạn ngạch này.
Mai Trang
Cùng chuyên mục