Thông tin nới room “cứu” cổ phiếu ngân hàng, “cứu” cả thị trường

Quốc Hải Thứ ba, ngày 06/09/2022 19:47 PM (GMT+7)
Nhóm cổ phiếu “vua” trụ vững nhờ thông tin nới room, trong khi nhóm cổ phiếu hóa chất - xăng dầu lại giảm mạnh, khiến các chỉ số trên thị trường chứng khoán kết phiên hôm nay (6/9) chỉ ở mức sát mốc tham chiếu.
Bình luận 0
Thông tin nới room “cứu” cổ phiếu ngân hàng, cũng “cứu” cả thị trường - Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu "vua" có phiên giao dịch tích cực nhờ những thông tin về các nhà băng chuẩn bị được nới room tín dụng. Ảnh: HDB


Cổ phiếu "vua" thành trụ đỡ thị trường nhờ thông tin nới room

Trong phiên giao dịch hôm nay, nhóm cổ phiếu hóa chất - dầu khí giảm khá mạnh. Có thể kể đến các mã như OIL, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS đều giảm giá. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu ngành hóa chất cũng có diễn biến rất tiêu cực, đặc biệt là các mã cổ phiếu phân bón như DCM giảm 4,6%, BFC giảm 4,3%, DPM giảm 3,6%, LAS giảm 2,8%…

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng trong phiên hôm nay vẫn giữ được sự tích cực và là trụ đỡ cho thị trường chung.

Nguyên nhân là nhờ những thông tin tích cực về các nhà băng chuẩn bị được nới room tín dụng. Các mã ACB, BID, CTG, HDB, LPB, MBB, MSB, NVB, OCB, PGB, SGB, SHB, TCB, VCB, VIB, VPB ở chiều tăng giá.

Đáng chú ý trong phiên hôm nay là lệnh bán tháo ồ ạt diễn ra ở nhóm cổ phiếu họ FLC. Theo đó, sau khi HOSE có quyết định đưa thêm FLC và HAI vào diện bị đình chỉ giao dịch kể từ 9/9 từ cuối tuần trước (trước đó là ROS và sau đó đã bị hủy niêm yết), nhóm cổ phiếu này bị bán tháo mạnh và giảm sàn từ phiên đầu tuần.

Đà bán tháo tiếp tục diễn ra mạnh hôm nay khi nhà đầu tư nào cũng muốn nhanh chân thoát thân, khiến cả nhóm là FLC, AMD, HAI trên HoSE và KLF, ART trên HNX đều lao dốc.

Thông tin nới room “cứu” cổ phiếu ngân hàng, cũng “cứu” cả thị trường - Ảnh 2.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ đỡ của thị trường trong phiên giao dịch hôm nay 6/9. Ảnh: HDB

Chốt phiên giao dịch ngày 6/9, VN-Index tăng 0,05 điểm lên 1.277,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 581,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 14.561 tỷ đồng. Toàn sàn có 191 mã tăng giá, 261 mã giảm giá và 85 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,45 điểm lên 293,27 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 70 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.376 tỷ đồng. Toàn sàn có 87 mã tăng giá, 100 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,14 điểm xuống 91,64 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 32,72 triệu đơn vị, tương ứng hơn 572,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 146 mã tăng giá, 134 mã giảm giá và 75 mã đứng giá.

Về giao dịch khối ngoại, trong phiên hôm nay nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 270 tỷ đồng trên HoSE. Đây cũng là phiên khối ngoại bán ròng thứ 11 với các giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE. Các mã bị bán ròng nhiều nhất là VIC, HPG, KDH, KBC.

Ngoài ra, phiên hôm nay khối ngoại cũng bán ròng 15,46 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 17,97 tỷ đồng trên HNX.

Cổ phiếu "vua" có còn dư địa trong 4 tháng cuối năm?

Chuyên gia chứng khoán Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, thông tin NHNN nới room cho các NHTM chắc chắn là thông tin tốt cho nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bởi các ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhờ khả năng cho vay được nhiều hơn, khi đó biên lợi nhuận (NIM) sẽ tăng lên, từ đó kích thích sự quan tâm của nhà đầu tư.

"Nhiều khả năng dòng tiền sẽ đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, nên giá cổ phiếu ngân hàng sẽ có diễn biến tích cực hơn. Điều này là rất khả thi", ông Phương nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2022 có thể sẽ chậm hơn so với mức tăng trưởng nửa đầu năm nay.

Bởi mục tiêu chính của ngân hàng nhà nước là ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra tình trạng lạm phát tăng cao nên Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro.

"Theo dự báo thì có thể mức nới room của các ngân hàng không giống nhau. Có ngân hàng có thể được nới room 2-3%, có ngân hàng 3-4%, nhưng cũng có ngân hàng chỉ 1-2% chứ không phải là đồng đều", ông Phương chia sẻ.

Trong khi đó, theo một báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dù nợ xấu dự báo sẽ tăng lên khi Thông tư 14/2020/TT-NHNN quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành đã hết hiệu lực vào cuối tháng 6, nhưng áp lực dự phòng được giảm thiểu khi các ngân hàng đã tăng cường bộ đệm dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu lên cao hơn mức quy định 30% trong bối cảnh nguồn thu nhập dồi dào.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng, vẫn có những rủi ro nhất định khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, bởi các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản, hoặc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cao trong danh mục tín dụng sẽ khó ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022.

Ngược lại, nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, có hoạt động cho vay thận trọng và tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp hoàn toàn được hưởng lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem