"Thủ phủ tôm hùm" giải bài toán phát triển bền vững (bài 2)

23/11/2023 10:01 GMT+7
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, Phú Yên chia sẻ với Etime 5 giải pháp giải quyết “bài toán lớn” cho nghề nuôi tôm hùm, phát triển bền vững.

Ông Lâm Duy Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho hay, hiện thị xã có 8.000ha mặt nước đang nuôi tôm hùm với trên 60.000 lồng của khoảng 4.000 hộ nuôi. Giá trị kinh tế mang lại hàng năm khoảng 1.500 tỷ đồng, có năm lên tới 2.000 tỷ đồng. Hiện thu nhập bình quân đầu người của thị xã Sông Cầu là 96 triệu đồng/năm; trong đó khu vực đô thị khoảng 120 triệu đồng/năm, khu vực nông thôn là xấp xỉ 80 triệu đồng/năm.

"Sau 30 năm, hiện nay thị xã Sông Cầu được mệnh danh là "thủ phủ tôm hùm". Qua quá trình sản xuất, quản lý cũng như khát vọng vươn lên trở thành thành phố vào năm 2025 của Sông Cầu, chúng tôi tiến đến sản xuất bền vững con tôm hùm này, song vẫn có nhiều vấn đề cần phải bàn" – ông Dũng cho hay.

"Thủ phủ tôm hùm" giải bài toán phát triển bền vững (bài 2) - Ảnh 1.

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, Phú Yên.

Cụ thể, 2 vấn đề lớn mà chính quyền thị xã đang đặc biệt lưu tâm là quy hoạch nguồn nuôi và phân phối.

Về quy hoạch vùng nuôi, theo ông Dũng, hiện bà con vẫn nuôi tự phát. Để đảm bảo nuôi tôm hùm bền vững, chính quyền đang tiến hành sắp xếp lại quy hoạch theo hướng không cho tăng thêm số lượng lồng bè, bảo tồn thiên nhiên gắn nuôi trồng thủy sản (tôm hùm) để tạo điểm đến du lịch cho địa phương. Trước đây, Sông Cầu đã từng xảy ra việc, người dân nuôi tôm hùm quá nhiều, quá sức tải của môi trường, từ đó gây ra dịch bệnh và thiệt hại nặng nề, ông Dũng thông tin.

Về vấn đề phân phối tôm hùm, theo ông Dũng, người nuôi tôm chưa được hưởng lợi nhiều do tôm hùm Sông Cầu hiện được tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất tiểu ngạch. Giá bán cho thương lái chỉ 1,1 triệu đồng/kg, qua Móng Cái sang đất Trung Quốc là giá tôm lên 3,7 triệu đồng/kg và chuyển đến Thượng Hải là 5,8 triệu đồng/kg.

Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, ông Dũng cho hay, thị xã Sông Cầu đã và đang tiến hành 5 giải pháp.

Thứ nhất, quy hoạch vùng nuôi theo đúng quy định của Chính phủ và của tỉnh. Dự kiến, số lồng nuôi tôm hùm sẽ giảm từ 60.000 lồng hiện nay về khoảng 40.000 lồng.

Hai là, tập trung vận động bà con tạo thành tổ sản xuất cộng đồng và xây dựng, hình thành lập các HTX tôm hùm với đúng thương hiệu tôm hùm của Sông Cầu, Phú Yên.

Ba là, vận động bà con ứng dụng khoa học công nghệ làm lồng bè có sức chịu thiên tai, cũng như bền vững trong quá trình nuôi lâu dài hơn, đảm bảo về môi trường.

Bốn là, ứng dụng các sinh phẩm tăng cường sức đề kháng cho con tôm.

Năm là, phân phối, tổ chức sản xuất ngay từ đầu vào. Chúng tôi quản trị từ con tôm giống (nguồn tự nhiên và giống nhập), phân phối tăng giá trị của tôm. Chúng tôi đang tiến hành xây dựng mã vùng nuôi, đề nghị với các cơ quan của trung ương xây dựng mã code cho các tổ chức được xuất khẩu. Sông Cầu mới chỉ có một doanh nghiệp đã có mã code, chúng tôi đang xây dựng tiếp cho HTX tôm hùm Sông Cầu. Nếu xuất được, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, chúng tôi còn đặt vấn đề xuất khẩu với cả Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia có nhu cầu tiêu thụ tôm hùm. Trong quá trình xuất đi như thế sẽ tăng thu nhập cho người dân và có khả năng bền vững hơn, đảm bảo nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cũng như lợi ích của từng người dân trong quá trình sản xuất.

"Sông Cầu cũng đang có một đề án khoa học là nuôi tôm không ở dưới biển mà nuôi tôm trên bờ, để đỡ hại môi trường biển. Chúng tôi đang quy hoạch 100ha để đưa vào nuôi tôm hùm công nghệ cao, quản trị theo đề án đó" – ông Dũng cho biết.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục