Tôm Việt chiếm thị phần áp đảo tại Australia dù giá cao hơn nhiều đối thủ
Theo VASEP, Việt Nam là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng áp đảo đến 62% tổng giá trị tôm nhập khẩu của Australia. Tiếp đó Thái Lan đứng thứ hai chiếm 16%, Trung Quốc đứng thứ 3 chiếm 10%.
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Australia đạt 89 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.
Là thị trường xuất khẩu tôm tiềm năng trong khối thị trường CPTPP, trong hai năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu tôm (nhất là tôm chân trắng) sang thị trường Australia khả quan. Trong quý II/2021, có 81 doanh nghiệp Việt Nam tham gia XK tôm sang thị trường này, trong đó lớn nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.
Sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường Australia trong nửa đầu năm nay cũng khá đa dạng, trong đó, chủ yếu là sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú đông lạnh (HS 03061721 và 03061722): tôm chân trắng tươi PDTO đông lạnh, tôm chân trắng tươi, lột vỏ, bỏ đầu, còn đuôi, tôm sú PD tươi, đông lạnh, thịt tôm mũ ni, tôm mũ ni nguyên con. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xuất khẩu sản phẩm tôm khô (HS 03069530) sang Australia…
Giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường trong 5 tháng đầu năm dao động trong khoảng 10-11 USD/kg, dù cao hơn so với các nước đối thủ từ 1 - 2 USD/kg nhưng tôm Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt tại thị trường này.
Theo thống kê mới nhất của ITC, 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Myanmar là 5 thị trường cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Australia, trong đó, Việt Nam là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng áp đảo đến 62% tổng giá trị tôm nhập khẩu. Tiếp đó Thái Lan đứng thứ hai chiếm 16%, Trung Quốc đứng thứ 3 chiếm 10%.
Cũng theo ITC, 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Australia từ Việt Nam tăng 93% trong khi nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc giảm lần lượt 4% và 31%.
Năm ngoái, nhập khẩu tôm của Australia bị ảnh hưởng do Covid-19, doanh số tiêu thụ tôm trên toàn quốc giảm mạnh do lệnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên kể từ cuối năm 2020 và nửa đầu năm nay, nhiều nhà nhập khẩu, nhà cung cấp, kênh phân phối bán lẻ đã thích nghi với dịch bệnh để thúc đẩy lại hoạt động kinh doanh.
Nhiều phương thức bán hàng được thay đổi theo hướng dịch vụ giao hàng tận nhà tăng lên, ưu tiên thanh toán bằng thẻ và người mua hàng trực tiếp phải tuân thủ yêu cầu về khoảng cách. Đối với các sản phẩm bán buôn cũng có thể được mua từ hệ thống các cửa hàng, đồng thời chuỗi nhà hàng, nhà cung cấp thủy sản địa phương chấp nhận đặt hàng trước.
Hơn nữa, so với một số nước như Mỹ, Ấn Độ, châu Âu, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Australia không quá căng thẳng, hiện tại vaccine cũng đang được nước này đẩy mạnh tiêm cho người dân nên dự kiến xuất khẩu tôm sang thị trường này từ nay đến cuối năm vẫn tăng trưởng tốt.
Hiện nay, cả nước có khoảng 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao, trong đó tập trung nhiều ở hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng với diện tích khoảng 168.000 ha.
Ngành tôm Việt Nam được khuyến khích để nâng cao sản lượng, chất lượng nhằm đảm bảo được mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững, cải thiện đời sống người dân, đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành tôm cũng đang đứng trước nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh, sức cạnh tranh về giá thành và thị trường xuất khẩu….
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% năm của ngành tôm thế giới, dự tính đến năm 2045 tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt khoảng 15 triệu tấn.
Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm khoảng 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng khoảng 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, đạt giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045 nếu có chiến lược bài bản để đưa ngành tôm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Năm 2021, toàn ngành đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 740.000 ha, sản lượng 930.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD.