TP. Hồ Chí Minh: 6 tháng đầu năm giáo dục và đào tạo hút mạnh vốn FDI

05/07/2022 15:54 GMT+7
Trong 6 tháng đầu năm, ngành giáo dục và đào tại tại TP. Hồ Chí Minh hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nằm trong Top 5 ngành có vốn FDI đổ vào nhiều nhất tại TP. Hồ Chí Minh.

Số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết, 6 tháng đầu năm hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại Thành phố làm việc. Doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, đa dạng khách hàng; xu hướng kinh doanh được đánh giá tốt hơn. Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại Thành phố và nhiều hoạt động được tổ chức để kích cầu tiêu dùng.

Vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh tăng vọt nhờ loạt dự án điều chỉnh tăng vốn

Về tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/6/2022) trên địa bàn TP. HCM, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Thành phố trong 6 tháng đạt 2,21 tỷ USD, tăng 55,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, cấp mới có 304 dự án với vốn đăng ký đạt 231,1 triệu USD, giảm 12,6% về vốn so với cùng kỳ. Hoạt động thông tin và truyền thông có 68 dự án, vốn đăng ký là 101,4 triệu USD, chiếm 43,8% vốn đăng ký cấp mới; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 124 dự án, vốn đăng ký là 59,2 triệu USD, chiếm 25,6%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 81 dự án, vốn đăng ký 22,3 triệu USD, chiếm 9,6%.

Nhà đầu tư nước ngoài phân theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore dẫn đầu với 54 dự án, vốn đăng ký đạt 108,1 triệu USD, chiếm đến 46,8%; Nhật Bản 36 dự án, vốn đăng ký 38,4 triệu USD, chiếm 16,6%; Hàn Quốc 42 dự án, vốn đăng ký đạt 32,6 triệu USD, chiếm 14,1%.

Điều chỉnh vốn đăng ký có 68 lượt dự án với số vốn tăng 1.377 triệu USD, tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có 11 dự án, vốn đăng ký 852,6 triệu USD; hoạt động thông tin và truyền thông có 5 dự án, vốn đăng ký 256,3 triệu USD; giáo dục và đào tạo có 1 dự án, vốn đăng ký điều chỉnh 129,5 triệu USD.

Singapore là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.137 triệu USD.

TP. Hồ Chí Minh: 6 tháng đầu năm giáo dục và đào tạo hút mạnh vốn FDI  - Ảnh 1.

Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép tại Thành phố

Góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 1.166 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 605,1 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 241 triệu USD, chiếm 39,8% tổng vốn góp; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 135 triệu USD, chiếm 22,3%; hoạt động kinh doanh bất động sản 86,3 triệu USD, chiếm 14,3%. Hàn Quốc và Singapore là hai quốc gia có tỷ trọng cao lần lượt chiếm 31,4% và 22,7%.

Số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn thành phố đến ngày 20/6/2022 là 10.726 dự án với vốn đăng ký là 55,19 tỷ USD (bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn).

Vốn FDI chảy mạnh vào giáo dục và đào tạo ở TP. Hồ Chí Minh

Phân theo ngành, 5 ngành đang hút mạnh vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2022 gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo 894,2 triệu USD; Thông tin và truyền thông 389,3 triệu USD; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ 312,6 triệu USD; Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy 186,7 triệu USD; Giáo dục và đào tạo 134,5 triệu USD.

TP. Hồ Chí Minh: 6 tháng đầu năm giáo dục và đào tạo hút mạnh vốn FDI  - Ảnh 3.

Vốn FDI chảy mạnh vào giáo dục và đào tạo ở TP. Hồ Chí Minh. Nguồn số liệu PSO. HCM

Trong 2 năm trở lại đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành giáo dục và đào tạo ở TP. Hồ Chí Minh có sự tăng trưởng cao và duy trì ổn định được tăng trưởng qua các năm. TP. HCM cũng trở thành đầu hút vốn FDI vào ngành giáo dục của cả nước kể từ năm 2020.

TP. Hồ Chí Minh: 6 tháng đầu năm giáo dục và đào tạo hút mạnh vốn FDI  - Ảnh 4.

TP. HCM cũng trở thành đầu hút vốn FDI vào ngành giáo dục của cả nước kể từ năm 2020.

Báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm, ngành giáo dục và đào tạo của TP. HCM đóng góp 4,4% vào GRDP địa phương và tăng trưởng gần 5%. Trong khi đó tính chung cả nước, ngành giáo dục và đạo tạo đóng góp 4,09% vào GDP 6 tháng đầu năm và tăng trưởng 5,27%.


Quỳnh Nguyễn
Cùng chuyên mục