TPBank: Chốt phương án tăng vốn lên gần 10.717 tỷ đồng

28/10/2020 15:55 GMT+7
HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ gần 8.566 tỷ đồng lên gần 10.717 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, TPBank tăng trưởng 26% về lợi nhuận.

Cụ thể, việc tăng vốn của TPBank được chia thành hai đợt.

Trong đợt 1, TPBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.811 tỷ đồng thông qua phát hành thêm hơn 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Trong đó, ngân hàng phát hành hơn 163 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%. Đồng thời, phát hành gần 18 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ chia 2,18%.

Đợt 2, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm gần 340 tỷ đồng thông qua phát hành khoảng 34 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng tỷ lệ phát hành là 4,16%.

TPBank: Nợ xấu của tăng gần 60%, chốt phương án tăng vốn lên gần 10.717 tỷ đồng - Ảnh 1.

TPBank chốt phương án tăng vốn lên gần 10.717 tỷ đồng

Số cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng tối đa trong vòng 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. HĐQT có quyền quyết định nới lỏng thời gian hạn chế chuyển nhượng tùy thuộc vào chính sách nhân sự nhưng không được sớm hơn 9 tháng kể từ khi kết thúc đợt phát hành.

Trước đó, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, TPBank được cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 19%, từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.

Được biết, kế hoạch tăng vốn này đã từng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Tuy nhiên, ngân hàng chưa thực hiện được. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, nguyên nhân do việc kêu gọi nhà đầu tư trong nước gặp một số khó khăn do tác động của thị trường cổ phiếu năm 2019.

Vào đầu tháng 7, TPBank đã thực hiện xin ý kiến cổ đông và được chấp thuận điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.792 tỷ đồng thay vì mức 10.199 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2020 thông qua.

Đến giữa tháng 10, ngân hàng tiếp tục điều chỉnh và xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn như hiện tại.

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước và sau thuế của TPBank tăng 26% so cùng kỳ, ghi nhận lần lượt là gần 3.023 tỷ đồng và gần 2.420 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 là hơn 4.000 tỷ đồng, TPBank đã thực hiện được 74% kế hoạch sau 9 tháng.

Tổng tài sản của TPBank tăng 18% so với đầu năm, các khoản phải thu giảm 16%, trong khi các khoản lãi, phí phải thu tăng 39%, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 14%, cho vay khách hàng tăng 15% so với đầu năm, lên mức hơn 110.340 tỷ đồng.

Kỳ này, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của TPBank âm đến hơn 3.600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 8.711 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng tiền chi trả cho nhân viên và hoạt động công vụ, giảm các khoản về kinh doanh chứng khoán, tiền vàng gửi và cho vay các tổ chức tín dụng…

TPBank: Nợ xấu của tăng gần 60%, chốt phương án tăng vốn lên gần 10.717 tỷ đồng - Ảnh 3.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của TPBank

Tỷ lệ nợ xấu TPBank tính đến cuối tháng 9 vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới 2%. Trái với những lo ngại trước đó khi nền kinh tế tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của đại dịch Covidlại, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức thấp cho thấy sự thành công của TPBank trong hoạt động kiểm soát và ngăn ngừa rủi ro. TPBank hiện cũng là một trong những ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao trên thị trường. Đến cuối tháng 8/2020, hệ số CAR của TPBank đạt 10,81% tính theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn nhiều so với mức 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục