TP.HCM: "Người dân đi chợ từ tờ mờ sáng, ai cũng mua nhiều nên bán xíu là hết"

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 08/07/2021 13:20 PM (GMT+7)
Rau củ, thịt cá tại các chợ hết sớm khi người dân đi mua hàng từ tờ mờ sáng. Tại các cửa hàng thực phẩm, khách lại xếp hàng dài chờ vào mua.
Bình luận 0

Chợ hết hàng sớm, cửa hàng thực phẩm đông khách

Sáng 8/7, nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM tiếp tục ghi nhận lượng người đổ về mua sắm đông đúc. So với hôm qua, các tiểu thương cho hay, họ lấy hàng về nhiều hơn do dự đoán sức mua tăng nhưng chỉ sau vài giờ sạp hàng trống trơn.

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), phương tiện không được di chuyển vào các con đường xung quanh như đường Trịnh Hoài Đức, một phần đường Vũ Tùng nên khách đi chợ lố nhố, "cắt cử" người bên ngoài giữ xe. Lượng người đến mua hàng đông hơn nhiều so với hôm qua. Để vào lồng chợ, khách phải khai báo y tế, đo thân nhiệt.

TP.HCM: Chợ hết sớm, khách lại dồn vào cửa hàng thực phẩm - Ảnh 1.

Chợ hết hàng sớm, người dân xếp hàng chờ mua thịt trước một cửa hàng thực phẩm. Ảnh: Hồng Phúc.

Anh Thành - tiểu thương bán rau củ quả, cho biết hôm nay bán rau xanh các loại còn chạy hơn cả ngày 7/7. Hôm qua, phải hơn 9h, hàng rau của anh mới gần hết nhưng nay hết sớm hơn một tiếng đồng hồ. "Nhiều người hôm qua ra mua hết rau, nay người ta đi chợ sớm lắm, mới hơn 5h đã đi rồi nên bán chạy. Ai cũng mua nhiều nên bán xíu là hết", anh nói.

Theo anh, giá rau xanh các loại hôm nay có tăng so với hôm qua, khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân không phải do các chợ đầu mối đóng cửa, thiếu rau mà là việc chuyên chở, vận chuyển khó hơn. "Tôi có nhiều khách quen nên tăng giá theo chi phí thôi, tăng mạnh người ta bỏ đi hết", anh nói.

Khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu, các chợ tự phát không còn, nhưng một số người tranh thủ bán trên xe gắn máy để "chạy nhanh" khi lực lượng chức năng đến. Rau xanh bên trong chợ không còn nhiều, nên giá rau của các xe lưu động này tăng vọt từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, thậm chí đắt hơn.

Bà Hương (quận Bình Thạnh) cho biết sáng nay bà đi chợ sớm và cũng bất ngờ trước giá rau xanh các loại tăng vọt. Cải xanh 35.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với vài ngày trước đó, xà lách 45.000 - 50.000 đồng/kg, bắp cải 40.000 đồng/kg; khổ qua, bí đỏ 40.000 - 50.000 đồng/kg. "Đắt nhưng vẫn phải mua để ăn 3-4 ngày nữa, hết rồi đi chợ tiếp", bà nói.

Chợ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) đang tạm ngưng hoạt động nên các hộ kinh doanh rau củ quả, thịt heo, thủy hải sản gần đó bán rất đắt, mới hơn 8h sáng đã hết hàng. Một tiểu thương bán rau cho biết, hôm nay bán đắt hơn hôm qua. Khách mua nhiều, bất chấp giá rau, thịt cá đều tăng mạnh.

Nhu cầu tăng cao nên các cửa hàng thực phẩm xung quanh các chợ khá đông. Do cửa hàng giới hạn người mua sắm cùng một lúc nên dòng người xếp hàng dài chờ vào bên trong. Nguồn hàng từ rau xanh đến thịt cá của các cửa hàng này vẫn dồi dào, giá cả ổn định so với các ngày trước.

Người dân không nên hoang mang, tích trữ hàng

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn tạm ngưng hoạt động không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP.HCM, mà chỉ là thay đổi cách mua bán, từ tập kết tại chợ đầu mối thành phân phối trực tiếp về chợ truyền thống và các điểm bán, do đó, nguồn cung vẫn sẽ đảm bảo.

TP.HCM: Chợ hết sớm, khách lại dồn vào cửa hàng thực phẩm - Ảnh 3.

Nguồn cung hàng hóa trong siêu thị vẫn rất dồi dào. Ảnh: Hồng Phúc.

Theo ông, hiện nguồn hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP.HCM rất dồi dào. Các doanh nghiệp, hệ thống phân phối trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ dự trữ nguồn hàng đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân.

Ngoài kênh phân phối truyền thống là chợ, hiện TP.HCM có 106 siêu thị đang hoạt động, 12 cửa hàng lớn chuyên kinh doanh thịt gia súc, hơn 2.600 siêu thị mini, cửa hàng tiện ích và 28.700 cửa hàng bách hóa.

Sở sẽ tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, đồng thời siết chặt các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch. Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 7/7, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh với năng lực dự trữ và cung ứng của các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp bình ổn thị trường, TP đủ lượng hàng cung ứng và các điểm bán phân phối hàng hóa, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

"Đề nghị người dân không tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa, không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch và hãy cùng đồng hành trách nhiệm với TP để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn", ông Phong khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem