TP.HCM và tương lai trung tâm logistics miền Nam

20/09/2019 13:42 GMT+7
Hình thành chuỗi liên kết logistics để giảm chi phí trung gian và tăng khả năng cạnh tranh đang là hướng đi mũi nhọn của không chỉ thành phố Hồ Chí Minh mà còn của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên mục tiêu giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống còn 16% GDP vào năm 2025 vẫn là thách thức không nhỏ với TP.HCM.

Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, TP.HCM còn là trung tâm phân phối, cung ứng hàng hóa lớn nhất phía Nam. Nằm giữa các trục đường bộ Đông - Tây, Bắc - Nam cùng với hệ thống hải cảng lớn như Cát Lái, Hiệp Phước, Bến Nghé, Tân Thuận… nên hầu hết hàng hóa giao thương giữa các tỉnh, thành, hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực phía Nam đều đi qua TPHCM.

TPHCM còn nằm cạnh các tuyến hàng hải trọng yếu trên biển đông, nơi mỗi năm có trên 140.000 lượt tàu trọng tải trên 100.000 tấn đi qua. Với một hậu phương vững chắc và lớn mạnh, thành phố này hoàn toàn có thể kết nối lưu chuyển hàng hóa đa phương thức với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Thành phố Hồ Chí Minh và tương lai trung tâm logistics miền Nam - Ảnh 1.

Logistics đang trở thành hướng đi mũi nhọn của Thành phố Hồ Chí Minh

Muốn phát triển bền vững và đạt được những mục tiêu đề ra, phát triển logistics là một hướng đi đầu của TPHCM, đưa địa phương này trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Theo đó, một hệ sinh thái đầu ngành trong lĩnh vực logistics nếu không được hình thành tại TP.HCM, "thì ai, địa phương nào mới có khả năng làm được điều này theo kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh & phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến 2025 do Chính phủ ban hành từ năm 2017, cũng cần được mổ xẻ, tính đến", ông Nguyễn Ngọc Hòa - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM chia sẻ.


Tuy nhiên, thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành logistics TPHCM còn yếu cả về số lượng, quy mô và trình độ nhân lực. Trong quy hoạch giao thông đô thị còn tồn tại nhiều trở ngại, trong đó tắc nghẽn hạ tầng, kẹt xe nghiêm trọng, cạnh tranh thiếu lạnh mạnh hiện được xem là các vấn đề nóng. Nhiều cơ sở hạ tầng, khâu quảng cáo, tiếp thị còn lớn, làm chậm đà lớn của kinh tế thành phố. 

Còn đối với hệ thống cảng sông, cảng biển, Thạc sĩ Hà Minh Hiếu, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, chỉ ra 6 tồn tại lớn. Đó là cảng, bến nhỏ, đơn lẻ; tình trạng tắc nghẽn do hạ tầng; cạnh tranh thiếu lành mạnh; khả năng kết nối nội địa yếu; thiếu hậu cần càng dẫn tới sự chậm trễ trong lưu thông hàng hóa và nhiều cảng nằm trong nội thành, ven đô nên không có quỹ đất để phát triển mở rộng.

Thành phố Hồ Chí Minh và tương lai trung tâm logistics miền Nam - Ảnh 2.

Bởi vậy, từ năm 2017, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt "Đề cương Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, đề án hướng đến 3 mục tiêu: đánh giá thực trạng ngành logistics TPHCM; đề xuất các giải pháp xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ logistics phía Nam và kết nối với khu vực và góp phần giảm chi phí logistics/GDP còn khoảng 16% vào năm 2025.

Việc xây dựng và triển khai đề án này kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ đóng góp của ngành này lên mức 8-10% GDP, tăng trưởng 15-10%. Đồng thời hình thành được dịch vụ logistics chuyên nghiệp, giúp nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ logistics lên mức 50-60%. 

Ông Hòa cũng kỳ vọng TPHCM sẽ hình thành các doanh nghiệp logistics đầu tàu. Qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất.

Muốn làm được điều đó, ông Hòa lưu ý, cần phải kết nối logistics xuất nhập khẩu với logistics nội địa. "Hiện thị trường thương mại nội địa rất lớn nhưng hoạt động logistics ở khu vực này vẫn đang ở tình trạng tự phát". Để tạo được sức mạnh lớn cần tiến hành phối hợp, liên kết giữa Nhà nước với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp và cả doanh nghiệp với người nông dân. Khi tạo được chuỗi logistics công nghệ kết nối, những kế hoạch, chiến lược đề ra sẽ không chỉ còn trên giấy.

Mai Trang
Cùng chuyên mục