Trần Duy Phong, CEO Tép Bạc: Ứng dụng công nghệ để nuôi trồng thủy sản hiệu quả
Nền tảng quản lý trại nuôi Farmext do Trần Duy Phong và đội ngũ Tép Bạc xây dựng, phát triển được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, thành viên Hội đồng Chung khảo Startup Việt 2020 đánh giá cao.
Không chỉ đo được các chỉ số về độ pH, oxy, nhiệt độ, độ mặn trong ao nuôi thủy sản theo thời gian thực, nền tảng quản lý trại nuôi Farmext do Trần Duy Phong và đội ngũ Tép Bạc xây dựng và phát triển còn có thể tự động tính sản lượng, lợi nhuận theo thời điểm thu hoạch, mang lại hiệu quả cao.
Tự động tính lợi nhuận trên ao nuôi
Tép Bạc là công ty khởi nghiệp đạt giải cao nhất tại cuộc thi Startup Việt 2020 được tổ chức tháng 11 tại TP.HCM. Các giải pháp do Tép Bạc cung cấp, đặc biệt là nền tảng quản lý trại nuôi thủy sản từ xa Farmext được ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, thành viên Hội đồng Chung khảo Startup Việt 2020 đánh giá cao.
Tại cuộc thi, ông Trương Gia Bình đặt câu hỏi về khả năng dự báo sản lượng trong ao nuôi tôm của ứng dụng Farmext, với vị trí đối tác chiến lược thực hiện chuyển đổi số cho Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú từ năm 2019.
Trần Duy Phong, nhà sáng lập, CEO Tép Bạc cho biết, ứng dụng Farmext không chỉ dự báo được sản lượng trong ao theo từng thời điểm, mà còn có thể tính toán, nếu thu hoạch ở thời điểm hiện tại (hoặc một tuần sau…), mỗi kilogram tôm sẽ có bao nhiêu con, cùng giá bán tương ứng, lợi nhuận thu về…
“Minh Phú có thể rất kỳ vọng điều này”, ông Trương Gia Bình đánh giá sau khi nghe phản hồi từ CEO Tép Bạc.
Start-up này đang cung cấp giải pháp cho Tập đoàn Minh Phú các modun điều khiển tự động. Dù trong giai đoạn đầu hợp tác, nhưng các ứng dụng của Tép Bạc được đánh giá cao về hiệu quả từ các tính năng.
Ngoài ra, Farmext còn là đối tác của Bayer, Neovia (Pháp), Viện Nuôi trồng thủy sản 2… và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nông dân hình thành thói quen tạo nhật ký nuôi trồng, như Hiệp hội Động vật hoang dã triển khai thí điểm ở các vùng nuôi tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Farmext cung cấp cho các đối tác 3 trụ cột.
Thứ nhất, ứng dụng quản lý ao nuôi, giúp nông dân quản lý kho, đưa ra quy trình nuôi đảm bảo tốc độ lớn, lượng thức ăn cần, kết nối cùng chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật từ xa. Tép Bạc thu phí ứng dụng 12 USD/ao nuôi.
Thứ hai, thiết bị IoT đo môi trường nước về các chỉ số thực tại ao như oxy, pH, nhiệt độ, độ mặn… để tự động cảnh báo khi cần điều chỉnh.
Thứ ba, sàn giao dịch thủy sản, đang xây dựng QR Code nhằm giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc với các thông tin liên quan. Trong đó, thiết bị đầu dò (đo các chỉ số trong nước) đã được đăng ký bằng sáng chế và cũng là lợi thế nổi bật của Tép Bạc. “Chúng tôi dành 2 năm (2017 - 2019) để nghiên cứu thay đổi thiết bị, nhằm đảm bảo đầu dò có thể tự vệ sinh trong môi trường nước với các chỉ số liên tục thay đổi”, Duy Phong chia sẻ.
Thiết bị IoT đo môi trường nước của Tép Bạc hiện có giá 30 triệu đồng. Ông Trương Gia Bình cho rằng, “mức giá này ổn” và có tiềm năng triển khai rộng rãi đối với 700.000 ao nuôi tôm tại Việt Nam.
Hỗ trợ hiệu quả cho người nuôi trồng thủy sản
Là giải pháp công nghệ cho ngành thuỷ sản, song hiện tại, Farmext đang tập trung vào mảng nuôi tôm nước lợ.
CEO Tép Bạc nhấn mạnh, chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nuôi thủy sản nói chung và tôm nói riêng, vì đây là yếu tố tác động chính đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của vật nuôi.
Người nuôi tôm thuờng nói: “Nuôi tôm là nuôi nước”. Bởi vậy, việc xử lý chất lượng nguồn nước trong nuôi thuỷ sản được TS. Nguyễn Thanh Mỹ, nhà sáng lập Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) - đơn vị tham gia cung cấp các giải pháp công nghệ trong nông nghiệp - đánh giá là cơ hội cho các doanh nghiệp. TS. Mỹ cho biết, nếu có một héc-ta nuôi tôm, thì nông dân chỉ nuôi được trong 2.000 m2; phần diện tích còn lại dùng để xử lý nước, vì thiếu các công nghệ xử lý tối ưu.
Tìm hiểu các vấn đề của ngành thủy sản Việt Nam, Duy Phong nhận thấy, thủy sản Việt Nam có chất lượng tốt, nhưng nếu không có dữ liệu để chứng minh nguồn gốc, thì rất khó bán được giá cao. Làm thủy sản thì phải hiểu về môi trường, nguồn nước, sinh lý động vật…, song đa phần nông dân Việt Nam lại thiếu các kiến thức này.
Đây là lý do khiến Duy Phong quyết định thành lập trang tin về thuỷ sản (tepbac.com) vào năm 2012, nhằm cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm trong ngành.
4 năm sau đó, Phong cùng các đồng nghiệp quyết định xây dựng một phần mềm giúp người nuôi trồng thuỷ sản ghi lại nhật ký nuôi, tính toán chí phí, cảnh báo diễn biến bất thường của môi trường, kết nối cùng chuyên gia và ứng dụng Farmext ra đời.
Tự tin khi Tepbac.com trở thành một trong những website phổ biến nhất trong ngành thuỷ sản, với 10.000 lượt truy cập ngày, cùng 20.000 thành viên trên Youtube, Duy Phong bày tỏ: “Khi nắm được thông tin nuôi trồng, xu hướng thị trường, người nuôi sẽ chủ động hơn và cung cấp sản phẩm chất lượng hơn”.