Gặp chàng trai “bỏ phố về quê” với mô hình Farmstay ai đến cũng mê
Cơ duyên từ dự án tình nguyện
Cường học trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, sau khi tốt nghiệp và đi làm được một thời gian Cường lại học tiếp ngành Quản trị du lịch, trường ĐH Hoa Sen. “Thời đại học mình thích đi trải nghiệm thông qua các dự án tình nguyện. Mình cũng từng đi xuyên Việt bằng xe đạp và đi bộ. Chính sở thích khám phá nhiều nơi đã giúp định hình ngày càng rõ hơn giấc mơ thủa bé muốn có một khu vườn đặc biệt cho riêng mình”, Cường cho biết.
Trong quá trình đi học và đi làm, Cường tham gia một dự án tình nguyện tại Trị An (Vĩnh Cửu, Đồng Nai). “Khu vực này khoảng 1/3 dân số là người Việt kiều từ biển hồ Tonle Sap (Campuchia) về. Lúc mình biết đến vùng này, khá nhiều trẻ em không được đến trường vì không có giấy tờ tùy thân nên nhóm tình nguyện của mình lúc đó đã quyết định lập chương trình dạy xóa mù chữ cho các em. Lúc đầu thì có 3 đơn vị cùng phối hợp làm. Tuy nhiên, sau 1 tháng điều hành dự án, mình nhận ra định hướng ban đầu của những người khởi xướng chỉ mới dừng lại ở ở việc xóa mù chữ, không giúp thêm được gì cho bọn trẻ và mình quyết định lập ra CLB Chuông Gió để duy trì việc dạy và giúp đỡ các em được nhiều hơn. CLB của mình đã duy trì việc dạy thêm tin học, nghệ thuật, tiếng Anh và thư viện trong suốt từ 2013 đến năm 2016”, Cường nhớ lại.
Cũng nhờ dự án tình nguyện này mà Cường cảm thấy bản thân gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây. Cường đã "tậu" được hẳn 1 ha đất vườn đang trồng xoài do chủ đất quý mến anh để lại giá rẻ. Từ đó, Cường ấp ủ về một mô hình trang trại theo hướng bền vững.
Có vườn rồi, Cường cứ tới lui với những chuyến đi từ TP.HCM về Đồng Nai. Ngày thường Cường vẫn đi làm, đi dẫn tour... còn cuối tuần hoặc những lúc rảnh rỗi, Cường lại về khu vườn của mình túc tắc vừa làm vừa cả tạo. “Khoảng thời gian sau khi tiếp quản khu vườn đó là một hành trình một mình, đi đi về về vào cuối tuần. Mọi thứ lúc đấy rất khó khăn và mình phải khắc phục dần dần. Cũng may mà quanh đó có những đứa trẻ thường xuyên kéo qua chơi nên cũng cũng có thêm động lực để theo đuổi tiếp hành trình”, Cường nhớ lại những ngày đầu khó khăn với ý tưởng thành lập mô hình Farmstay.
Giấc mơ “Hạt Cỏ home” thành hiện thực
Thời kì đầu chỉ có một mình Cường tự cải tạo đất, cho cách ly với phân thuốc hóa học, trồng thêm chuối và cây rừng, để cỏ mọc tự nhiên... Cường đã một mình chuẩn bị hết mọi thứ trong gần 3 năm đầu tiên trước khi tập hợp được team. “Tuy một mình làm, nhưng sau mình có sự ủng hộ hết mình của bạn gái và sau này là vợ mình. Dự án Hạt cỏ home chính thức ra đời vào 6/2018 trong đó có lấy chữ “Cỏ” là tên bạn gái mình”, Cường cho biết.
Hiện nay team của Hạt Cỏ home gồm 6 bạn trẻ cùng chung chí hướng. “Dự án Hạt cỏ home xoay quanh ba trụ cột chính là nông nghiệp, giáo dục và cộng đồng. Cả ba yếu tố này nhóm đều dựa trên một nguyên tắc “tôn trọng tự nhiên”.
Với nông nghiệp, Cường và nhóm chọn đi theo hướng nông nghiệp nói không với các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh ở động vật… Nhóm Cường thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên, hướng tới mô hình vườn rừng nhằm đảm bảo tính bền vững lâu dài.
Ở Hạt Cỏ home, Cường và team đã tạo ra không gian và nguyên liệu để bọn trẻ tự sáng tạo ra trò chơi. “Lợi thế Hạt cỏ home ngay mặt hồ Trị An nên những đứa trẻ mà gặp nước là vui chơi say mê cả ngày. Ngoài ra, chúng có thể chơi đùa cùng cây cỏ trong vườn...”, Cường chia sẻ.
Cường và nhóm cũng hướng đến việc chia sẻ sự tử tế của mình đến cộng đồng địa phương nhằm giúp bà con nơi đây có thêm nhận thức về giáo dục, sức khỏe, môi trường thông qua dự án “thư viện cộng đồng”. Nơi đây nhóm Cường sẽ tổ chức lớp học cho trẻ em. Các em sẽ được tiếp cận đến âm nhạc, nghệ thuật, ngoại ngữ, tin học… Bên cạnh đó, Cường và nhóm muốn hướng đến việc không tiêu dùng đồ nhựa sử dụng một lần nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và chỉ sử dụng các đồ vật dễ phân hủy hoặc thân thiện môi trường.
Vườn của Cường và nhóm cũng là nơi tập kết của những đứa trẻ là con em lao động nghèo sống quanh đó vào mỗi buổi chiều đi học về. Cường cho biết: “Trẻ em thành phố về đây sẽ được chơi với những đứa trẻ ở quê và chúng sẽ cùng nhau học hỏi trong không gian trang trại mở gần gũi với thiên nhiên”.
Ở giai đoạn này, Cường và các thành viên trong team tổ chức như một doanh nghiệp xã hội. “Tụi mình đang ở giai đoạn hoàn thiện phần farm và các dịch vụ để có thể tiếp đón các đoàn khách là trường học hoặc các gia đình dẫn con về với thiên nhiên vào cuối tuần. Qua đầu năm tới, khi đã hoàn thiện phần farm, mình và nhóm sẽ bắt đầu quay trở lại dự án cộng đồng thông qua dự án xây dựng thư viện cộng đồng và sân chơi cho trẻ em ở ấp này”, Cường bật mí về dự định sắp tới của nhóm mình.
Gần đây nhóm của Cường còn phối hợp tổ chức buổi offline cho những bạn trẻ tại khu vực Đồng Nai đam mê với việc làm nông nghiệp theo hướng bền vững thuận tự nhiên để cùng lan tỏa những giá trị "tử tế" đến cộng đồng.