Trồng ớt baby công nghệ cao đút túi hàng trăm triệu đồng
Hiện gia đình anh Võ Nguyên Minh Sơn (35 tuổi) đang tập trung chăm sóc lứa ớt chuông baby để đảm bảo tiến độ thu hoạch, giao nông sản cho đối tác. Khu vườn rộng 3 sào (3.000m2) của gia đình anh Sơn ở thôn Thái Sơn (xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) được lắp đặt hệ thống nhà kính cùng các trang thiết bị hiện đại. Việc sản xuất được thực hiện một cách tỉ mỉ, cách ly với môi trường bên ngoài để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.
Chủ vườn cho biết, anh từng làm nghề lái xe và chịu nhiều vất vả nên đến năm 2019 quyết định chuyển qua làm vườn. Lúc đó, người trồng lan hồ điệp chấm dứt hợp đồng thuê đất, trả lại khu vườn nên anh tìm hiểu mô hình rau sạch rồi đầu tư thực hiện. Được sự giúp đỡ của bạn bè, người thân trong gia đình, anh Sơn xây dựng khu nhà kính rộng 0,3ha và bắt đầu trồng dưa baby.
“Những ngày đầu, việc làm vườn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ từ bạn bè, những người làm vườn lâu năm nên mọi việc dần dần êm xuôi”, anh Sơn chia sẻ và cho biết thêm, dưa baby trồng trực tiếp ở nền đất và được chăm sóc kỹ lưỡng nên cây sinh trưởng tốt, cho trái nhiều. Vụ đầu tiên, gia đình thu hoạch được 24 tấn dưa bán được hơn 200 triệu đồng. Trừ các chi phí, gia đình anh còn lãi hơn 100 triệu.
Tiếp đà thắng lợi, gia đình anh Sơn quyết định đầu tư vào cải tạo khu nhà kính. Lắp đặt thêm máy móc, các trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là trải thảm bạt toàn bộ nền vườn để chuyển qua trồng ớt chuông baby trên giá thể xơ dừa. Hệ thống tưới nước tiết kiệm, đèn lưu huỳnh, quạt đối lưu... cũng được đầu tư bài bản. “Ớt chuông baby là cây rau có giá trị kinh tế cao nên vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Tổng chi phí cho 0,3ha khoảng từ 350-400 triệu đồng”, chủ vườn 35 tuổi thổ lộ.
Hiện gần 10 nghìn cây ớt của gia đình anh Sơn đang bước vào giai đoạn phát triển trái và dự kiến cho thu hoạch vào tháng 11. Theo chủ vườn, lứa ớt chuông baby này anh liên kết với Hợp tác xã An Phú ở Đức Trọng để làm nên vật tư đầu vào, đầu ra đều được hợp tác xã hỗ trợ. Vấn đề kỹ thuật sản xuất được hợp tác xã cắt cử người theo dõi, kiểm tra quá trình chăm sóc và tư vấn thường xuyên.
Anh Võ Nguyên Minh Sơn nói: “Trái đang ở độ lớn nhưng bên hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức 27.000 đồng/kg. Do vậy, việc làm vườn bây giờ là tập trung chăm sóc để đảm bảo ớt chín đúng độ, trái đạt tiêu chuẩn”.
Cũng theo anh Sơn, dự tính vụ này gia đình anh sẽ thu về khoảng 30 tấn. Với mức giá của hợp đồng bao tiêu, 30 tấn ớt chuông baby sẽ thu về hơn 800 triệu đồng. “Mọi việc suôn sẻ, thuận lợi thì lứa ớt này sẽ có lợi nhuận ít nhất 300-400 triệu đồng”, anh Sơn thổ lộ.
Với sự thành công này, gia đình anh Sơn đang hướng đến mở rộng quy mô sản xuất và tăng cường liên kết để phát triển kinh tế. Nông dân 35 tuổi cho hay, sau vụ thu hoạch ớt, gia đình sẽ xây dựng khu nhà kính trên toàn bộ phần vườn còn lại của gia đình để trồng rau. Dự tính khoảng 2 sào vườn còn lại sẽ được áp dụng trồng ớt và cà chua.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 65 nghìn ha rau và phân bổ chủ yếu ở Tp Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương... Trong số 65 nghìn ha này, có khoảng 15 nghìn ha rau công nghệ cao. Các mô hình đều cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với mô hình sản xuất truyền thống.