Trồng rau củ công nghệ cao, lão nông này được bao tiêu, bỏ túi hơn 1 tỷ/năm

25/01/2021 09:39 GMT+7
Với việc dùng máy móc tính toán, phân tích và đưa ra các chỉ số từ cơ bản đến nâng cao để trồng các loại rau quả VietGAP, ông Bùi Ngọc Cung (49 tuổi, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) bỏ túi hơn 1 tỷ đồng/năm.

Đơn Dương là huyện đang thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 – 2025. Chính vì vậy, để thấy được gương điển hình có thu nhập cao nhờ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương không khó.

Đầu năm 2021, được lãnh đạo UBND huyện Đơn Dương giới thiệu, chúng tôi đã tìm được đến khu nhà kính rộng 2ha của ông Bùi Ngọc Cung (49 tuổi, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương). Ông Bùi Ngọc Cung được cho là một trong những người đầu tiên áp dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Trồng đủ loại rau quả VietGAP, lão nông này được bao tiêu, bỏ túi hơn 1 tỷ/năm - Ảnh 1.

Ông Bùi Ngọc Cung trong khu vườn trồng các loại rau quả VietGAP của gia đình mình, mang lại thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Dẫn phóng viên trong khuôn viên dãy nhà kính được đầu tư bài bản, "sạch sẽ", ông Cung chia sẻ: "Thời điểm năm 2013, gia đình tôi và người dân ở Đơn Dương hầu như là trồng rau ngoài trời, nhưng năng suất không ổn định, sâu bệnh trên rau rất nhiều. Chính vì vậy, tôi đã bắt tay vào làm nhà lưới trên diện tích đất 2ha bố mẹ cho. Hiệu quả thấy rõ, trong vườn của tôi sâu bệnh đã giảm đi rất nhiều".

Vừa đi trong trang trại, ông Cung vẫn cầm trong tay chiếc điện thoại để thiết lập công thức pha chế và cho các khoáng chất vào bồn nhỏ, từ đó máy tự động vận hành, pha trộn. Việc tạo dung dịch đã hoàn thành thì lão nông này chỉ cần mở phần mềm, kích hoạt hệ thống tưới cho vườn cây của mình.

Trồng đủ loại rau quả VietGAP, lão nông này được bao tiêu, bỏ túi hơn 1 tỷ/năm - Ảnh 2.

Toàn bộ việc tính toán, phân tích và đưa ra các chỉ số từ cơ bản đến nâng cao cho cây trồng đều được ông Cung thao tác trên điện thoại.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2015, ông Cung có cơ hội đi dự hội thảo về nông nghiệp ở Đà Lạt và biết mô hình nhà kính công nghệ cao có thể mang lại hiệu quả trong trồng trọt. Sau đó, với số vốn gần 500 triệu đồng của mình ông quyết định đầu tư xây dựng nhà kính, bắt tay vào trồng ớt, cà chua. Thế nhưng, thành công, lợi nhuận vẫn là điều "xa lạ" với đối với ông.

Cho đến năm 2019, ông Cung lại biết thêm về công nghệ tưới thông minh có thể kết nối Internet vạn vật IoT. Ông vẫn không bỏ được tính tò mò, tìm hiểu sự mới lạ của công nghệ trong nông nghiệp. Lão nông này tiếp tục bị thuyết phục bởi công nghệ tưới thông minh trên. Vì vậy, sau khi tìm hiểu, ông đã quyết định lắp hệ thống tưới thông minh này ngót nghét 100 triệu đồng với sự hỗ trợ của nhà nước 50%.

Người vợ đầu ấp, tay gối của ông Cung là bà Đinh Thị Nhu chia sẻ: "Là người luôn bên cạnh chồng, tính nết ông ấy tôi hiểu. Có lần đang ở vườn, nghe tin sự kiện liên quan đến giống cây trồng, vật tư nông nghiệp hay các cuộc hội thảo nông nghiệp là ông lại thay đồ để đi dự. Mặc dù vậy, đã chứng kiến nhiều lần "thất bại" của chồng nên tôi cũng chỉ biết động viên để ông ấy tiếp tục với con đường mình đã chọn".

Trồng đủ loại rau quả VietGAP, lão nông này được bao tiêu, bỏ túi hơn 1 tỷ/năm - Ảnh 4.

Trải qua nhiều thất bại, vì vậy gương mặt của ông Cung làm cho người đối diện thấy ông luôn khắc khổ, cần cù nhưng lại đầy nhiệt huyết với công việc mình đã lựa chọn.

Chính vì có hệ thống tưới thông minh này, ông Cung đã được máy móc tính toán, phân tích và đưa ra các chỉ số từ cơ bản đến nâng cao nên cây trồng phát triển mạnh. Với 2ha đất của ông Cung, hàng năm cho thu hoạch 200 tấn nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP gồm cà chua beef, ớt chuông, dưa baby, dưa leo Nhật, được một đơn vị bao tiêu toàn bộ. Sau khi trừ các loại chi phí, mỗi năm lão nông này bỏ túi trên 1 tỷ đồng.

Trồng đủ loại rau quả VietGAP, lão nông này được bao tiêu, bỏ túi hơn 1 tỷ/năm - Ảnh 5.

Ông Cung thường xuyên kiểm tra hệ thống châm phân, nước tự động trong trang trại của mình.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đến hết năm 2020 đạt hơn 60.000ha, chiếm 21,7% diện tích canh tác toàn tỉnh (tăng 126,5% ha so với năm 2012). 

Lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao được đa dạng hóa từ công nghệ nhà kính, nhà lưới, công nghệ sinh học, công nghệ tự động gắn với nông nghiệp thông minh, IoT…được người dân áp dụng như một điều tất yếu, từ đó năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên rõ rệt.

Phong Lâm - Hà Thanh
Cùng chuyên mục