Lâm Đồng: Người dân làm nông nghiệp công nghệ cao đang "khát vốn"

24/01/2021 06:30 GMT+7
Nhiều người dân đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Lâm Đồng được đánh giá là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao trên thị trường quốc tế, được định hướng phát triển là vùng nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành. Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đang rất phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Tuy nhiên, hiện nhiều nhà đầu tư cũng như người dân đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiếp cận vốn. Đặc biệt, tài sản trên đất nông nghiệp của người dân là nhà kính, máy móc, thiết bị gắn liền nhà kính… có giá trị cao, đầu tư hàng tỷ đồng nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo vốn vay ngân hàng. 

Người dân làm nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đang "khát vốn" - Ảnh 1.

Hiện nay, Lâm Đồng được đánh giá là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Chính vì vậy, việc chi phí đầu tư cao (giống, nhà kính, công nghệ tưới phun, công nghệ tự động hóa trong sản xuất, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch...) dẫn đến một số người dân, doanh nghiệp chỉ áp dụng 1 hoặc 2 công nghệ. Do đó chưa đủ điều kiện để đồng bộ hóa được tất cả các khâu trong quá trình sản xuất.

Nói về việc thiếu vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng như khó khăn trong việc vay vốn, ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Langbiang (phường 7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) cho hay: "Lâu nay, việc vay vốn của người dân gặp nhiều khó khăn. Thực tế, tài sản chúng tôi đã đầu tư gồm máy móc, nhà kính, vật tư, công nghệ trên đất nông nghiệp của mình rất nhiều. Tuy nhiên, theo quy định thì tài sản đó không được dùng để làm tài sản thế chấp. Trong khi đó, khi xảy ra sự cố thì không được các công ty bảo hiểm chi trả. Có một số đơn vị chi trả bảo hiểm nhưng họ lại chỉ trả bảo hiểm cháy nổ, không phải bảo hiểm thiên tai. Vì vậy, người dân muốn đầu tư mảng nông nghiệp công nghệ cao này đang gặp khá nhiều khó khăn".

Người dân làm nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đang "khát vốn" - Ảnh 2.

Ông Trần Huy Đường cho biết, người dân muốn đầu tư mảng nông nghiệp công nghệ cao này đang gặp khá nhiều khó khăn do không tiếp cận được vốn.

Nói về khó khăn chung này, ông Trần Nguyễn Vũ Dũng – Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Agribank Lâm Đồng cho biết: Trước đây, người dân chỉ cần xây dựng nhà kính, canh tác trong đó và mang lại giá trị cao thì đã được gọi là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2017 trở về trước thì dư nợ cho vay về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ngân hàng này lên đến khoảng 1.500 tỷ đồng.

"Tuy nhiên, khi Ngân hàng Nhà nước có Quyết định 813 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và Quyết định 738 của Bộ NN-PTNT nói về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp thì việc cho vay trở nên "khó khăn" hơn. Các tiêu chí để xác định có phải là nông nghiệp công nghệ cao khá mập mờ; các cá nhân, doanh nghiệp làm nông nghiệp phải có chứng nhận VietGAP, Global Gap mới được gọi là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…mới thuộc diện cho vay vốn. Vì vậy, hàng năm dư nợ cho vay mảng này chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng", ông Trần Nguyễn Vũ Dũng giải thích.

Người dân làm nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng đang "khát vốn" - Ảnh 3.

Theo các tiêu chí của Bộ NNPTNT thì các cá nhân, doanh nghiệp làm nông nghiệp phải có chứng nhận VietGAP, Global Gap mới được gọi là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Cũng theo ông Dũng, việc định giá tài sản trên đất đã có trong Luật Đất đai. Tuy nhiên, để định giá được lại liên quan đến các Sở, ngành khác nên rất khó cho các ngân hàng. Thế nhưng, điều quan trọng nhất quyết định mức vay lại là việc khách hàng chứng minh được phương án kinh doanh của mình có hiệu quả hay không. Trên thực tế, Ngân hàng Agribank Lâm Đồng có thể cho vay 1 phần không cần tài sản bảo đảm nếu là khách hàng uy tín, vay vốn lâu năm, có phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng, hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cũng cho hay, cũng căn cứ theo Quyết định 813 thì các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã và đang cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch quy định tại Quyết định số 738 của Bộ NNPTNT đối với các nhu cầu vốn ngắn hạn, trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của khách hàng. Từ đó thực hiện chương trình với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại theo quy định. 

Phong Lâm
Cùng chuyên mục