Trung An (TAR) dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt 110 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 10%
Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX:TAR) vừa công bố tài liệu họp tài ĐHĐCĐ năm 2022. Cuộc họp dự kiến tổ chức ngày 27/6/2022.
Năm 2021, doanh thu Trung An đạt 3.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 96,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 15,7% so với cùng kỳ. Theo đó, TAR hoàn thành 89,1% kế hoạch doanh thu và 92,1% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đặt ra.
Năm nay, Trung An đặt mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng tăng 14% so với thực hiện năm 2021.
Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến là 10% bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 1 cổ phiếu). Kế hoạch phân phối lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC năm 2021 đã được kiểm toán. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cp. Mục đích nhằm giữ lại nguồn vốn để tập trung mở rộng vùng nguyên liệu, tái chế rác thải chuyển hóa thành điện năng, đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, TAR đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài (nới room) từ 0% lên 49%. Đồng thời, trình ĐHĐCĐ chấp thuận cho nhóm này mua cổ phiếu theo giới hạn tỷ lệ tương ứng.
Trung An có kế hoạch đầu tư & sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp và dự án có tiềm năng trong ngành nông lâm ngư nghiệp hoặc y tế tại khu vực phía Nam (miền Đông/Tây Nam Bộ). Số vốn huy động khoảng 500 tỷ đồng.
Về mục tiêu phát triển tại thị trường nội địa, Trung An mục tiêu định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng an toàn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và organic, với sản phẩm chính là gạo sạch Trung An và Gạo hữu cơ Trung An. Đối với thị trường xuất khẩu, Trung An sẽ phát triển đẩy mạnh từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu tại các nước phát triển như Đức, Australia, Mỹ, Malaysia, UAE…
Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu.
Theo báo cáo của HĐQT, nguồn thu từ thị trường nội địa chiếm tới 81,2% cơ cấu doanh thu năm ngoái. Song, về thị trường xuất khẩu, doanh thu xuất khẩu năm 2021 tăng trưởng về kim ngạch so với năm 2020; trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Hàn Quốc, chiếm đến 47,4% trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu.
HĐQT đánh giá gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp, trong khi nhiều mặt hàng nông sản bị sụt giảm về xuất khẩu trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đặc biệt nhu cầu gạo thế giới tăng cao khi nhiều quốc gia thực hiện giãn cách xã hội. Nhờ những thuận lợi từ thị trường, các doanh nghiệp thương mại gạo Việt Nam có cơ hội tăng sản lượng và giá xuất khẩu, trong đó có Trung An.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm trước, công ty sẽ phát hành 7,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm ngoái. Tỷ lệ thực hiện 10%, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được một cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo BCTC riêng năm 2021 đã được kiểm toán.
Tại đại hội, HĐQT báo cáo về tình hình sử dụng 450 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu, giá 18.000 đồng/cp, tỷ lệ 54,11%. Đợt phát hành này đã hoàn thành trong tháng 1 năm nay, vốn điều lệ công ty sau phát hành tăng từ 462 tỷ đồng lên 712 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh nghiệp đã sử dụng toàn bộ số tiền thu được để trả nợ vay ngân hàng, thời điểm giải ngân từ quý I đến quý II. Trong đó, 287,1 tỷ đồng trả cho Sacombank – chi nhánh Cần Thơ, 88.6 tỷ đồng trả cho VPBank – chi nhánh Cần Thơ, và 74,2 tỷ đồng trả BIDV – chi nhánh Đồng bằng Sông Cửu Long.
HĐQT TAR cũng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua thư từ nhiệm của bà Phạm Trần Thùy An với tư cách thành viên BKS, đồng thời tiến hành bầu thay thế 1 thành viên. Thù lao chi trả cho HĐQT (6 thành viên tính cả chủ tịch HĐQT) và BKS (2 thành viên) trong năm 2022 dự tính là 324 triệu đồng, có thể tăng thêm 15% trong trường hợp vượt mức kế hoạch kinh doanh đề ra.