Trung Quốc cấm nhập khẩu tôm từ Ecuador, cơ hội lớn cho tôm Việt Nam.

19/10/2019 06:26 GMT+7
Lệnh cấm nhập khẩu tôm từ Ecuador của Trung Quốc do lo ngại dịch bệnh vào tháng 9 vừa qua như một đòn giáng mạnh vào ngành thủy sản nước này. Đây được xem như cơ hội, cũng như thách thức với ngành tôm Việt Nam.

Lệnh cấm từ Trung Quốc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 9/2019, Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm nhập khẩu tôm từ 5 công ty xuất khẩu tôm lớn của Ecuador do lo ngại dịch bệnh có thể lây lan vào nước này.

Trung Quốc cấm nhập khẩu tôm từ Ecuador, cơ hội lớn cho tôm Việt Nam. - Ảnh 1.

Quá trình tôm Ecuador nhận "án tử"

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador. 5 công ty chịu lệnh cấm của Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng khối lượng xuất khẩu tôm của Ecuador. 5 năm trước đây, Trung Quốc chiếm 30% tổng xuất khẩu tôm của Ecuador (68.603 tấn, trị giá 584 triệu USD). Năm 2018, tỷ trọng này tăng lên 61% tương đương 281.718 tấn. Ecuador cũng là nguồn cung tôm lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 40% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Trung Quốc, gấp hơn 8 lần Việt Nam.

8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc đạt 210.000 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sau lệnh cấm, xuất khẩu tôm của Ecuador sang thị trường này đã giảm về cả sản lượng và giá trị.

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt

Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm nay, ước tính xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 1,455 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm 11,1%, kéo sự ảnh hưởng tới xuất khẩu chung của cả ngành thủy sản. Ước tính trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt 3,95 tỷ USD, giảm gần 1% so với cùng kỳ 2018.

Trung Quốc cấm nhập khẩu tôm từ Ecuador, cơ hội lớn cho tôm Việt Nam. - Ảnh 2.

Giá trị xuất khẩu tôm giảm trong 6 tháng đầu năm 2019

Bởi vậy việc tìm kiếm và đẩy mạnh cơ hội từ các thị trường lớn là điều hết sức quan trọng. Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam, hiện nay thị trường này lớn thứ 5. Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu tôm từ Ecuador do lệnh cấm có thể tạo cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc cấm nhập khẩu tôm của Trung Quốc cũng cho thấy rõ xu hướng của các nước vừa có nuôi tôm vừa nhập khẩu tôm như Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Họ chắc chắn phải kiểm tra chặt chẽ vấn đề dịch bệnh trong tôm nhập khẩu để đảm bảo cho sản xuất trong nước của họ.

Do vậy, theo VASEP, ngành tôm và doanh nghiệp tôm Việt Nam cần nhìn rõ thách thức từ việc Trung Quốc cấm tôm Ecuador. Thứ nhất, lệnh cấm đối với tôm Ecuador được dỡ bỏ sớm hay muộn, chúng ta không thể lường trước, có thể tùy thuộc vào diễn biến chính trị, thương mại mà Trung Quốc đang liên quan, có thể tùy vào quan hệ ngoại giao của Ecuador với Trung Quốc. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đổ xô xuất khẩu nhiều vào thị trường này, có thể sẽ bị thụ động khi tình huống thay đổi, dẫn đến bị ép giá, hạ giá.

Khả năng thứ hai rất có thể xảy ra là sau Ecuador, sẽ là Ấn Độ, Việt Nam và một số nước sản xuất tôm khác. Do vậy, chúng ta phải lường trước khả năng này, sẵn sàng trước xu hướng tăng cường kiểm tra dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu tôm như Australia, Hàn Quốc và Trung Quốc và có thể sẽ có các thị trường khác. Và sẽ không phải chỉ kiểm tra với bệnh đầu vàng, đốm trắng trên tôm mà cả các bệnh khác như MBV (bệnh tôm còi do tôm nhiễm virus MBV), bệnh đuôi đỏ hay hội chứng Taura, bệnh hoại tử dưới vỏ trên tôm (IHHNV)…

Trung Quốc cấm nhập khẩu tôm từ Ecuador, cơ hội lớn cho tôm Việt Nam. - Ảnh 3.

Đối với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, từ năm 2014, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản, theo đó Trung Quốc giám sát 4 loại bệnh: Đầu vàng đốm trắng, MBV, Taura, IHHNV đối với tôm sú, tôm chân trắng sống.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm Việt Nam cũng cần lường trước về khả năng Trung Quốc sẽ kiểm tra khắt khe hơn về dịch bệnh trong tôm xuất khẩu từ Việt Nam, có thể không chỉ kiểm tra tôm sống và các dạng sản phẩm khác như ướp lạnh, đông lạnh.

Vì vậy, ngành tôm Việt Nam cần chủ động trong việc kiểm soát, quan trắc dịch bệnh (chú trọng môi trường ao nuôi, con giống, dinh dưỡng…), đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong sản phẩm xuất khẩu không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác.

Mai Trang
Cùng chuyên mục