Trung Quốc đang "thắng lớn" nhờ ngoại giao vắc xin?
Việc Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu vắc xin Covid-19 trong bối cảnh thiếu nguồn cung nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đang giúp Bắc Kinh tăng cường quyền lực mềm - thứ có khả năng dễ dàng chuyển thành ảnh hưởng toàn cầu.
Theo Nikkei Asian Review, hiện nay, đã có ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu chấp nhận vắc xin Covid-19 của Trung Quốc hoặc đạt được thỏa thuận để mua vắc xin Covid-19 từ Trung Quốc.
Trung Quốc đang khởi động chiến lược tiếp cận vắc xin Covid-19. Bắc Kinh cũng đang ủng hộ ý tưởng sử dụng hộ chiếu vắc xin - một loại chứng nhận do chính phủ cấp hoặc ghi nhận thông qua ứng dụng smartphone để chứng minh công dân đã được tiêm vắc xin - như một điều kiện tiên quyết cho du lịch quốc tế. Điều này ám chỉ những hộ chiếu vắc xin được Trung Quốc cho phép quá cảnh là những loại được Trung Quốc chấp thuận, trong đó có những loại vắc xin sản xuất tại Trung Quốc.
Trong khi Bắc Kinh nỗ lực xuất khẩu vắc xin sản xuất trong nước như một quân bài tăng cường sức ảnh hưởng tại các quốc gia đang phát triển, các nền kinh tế mới nổi; thì các quốc gia giàu có khác lại đang bận tâm đến việc làm sao đảm bảo đủ nguồn cung vắc xin trong nước để đạt được miễn dịch bầy đàn.
Tờ Nikkei đã tổng hợp thông tin từ trang web chính thức của chính phủ Trung Quốc và UNICEF cung cấp để ước tính phạm vi chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc. Ước tính, có ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chấp thuận vắc xin Covid-19 Trung Quốc hoặc đồng ý mua các loại vắc xin này. Ngoài ra, có hơn 100 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã nhận được vật tư y tế hỗ trợ từ Trung Quốc, bao gồm khẩu trang, bác sĩ, chuyên gia y tế cùng nhiều loại hỗ trợ khác.
Đa số các quốc gia nhận hỗ trợ là những nước nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng.
Theo Airfinity, một công ty của Anh chuyên cung cấp thông tin tình báo khoa học đời sống, tính đến cuối tháng 3, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 115 triệu liều vắc xin. Con số này vượt xa 63 triệu liều vắc xin mà Ấn Độ đã xuất khẩu, chủ yếu trong đó là vắc xin AstraZeneca mà Ấn Độ sản xuất theo giấy phép được cấp. Trong khi đó, cả EU chỉ xuất khẩu được 58 triệu liều vắc xin đến Anh, Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Tính theo tổng sản lượng, Trung Quốc đã sản xuất tới 230 triệu liều vắc xin tính đến cuối tháng 3, nhiều hơn sản lượng của Mỹ, châu Âu và Ấn Độ.
Giám đốc điều hành Airfinity, Rasmus Bech Hansen cho hay Trung Quốc đã đầu tư nghiên cứu vắc xin ngay sau khi đại dịch bùng phát hồi năm ngoái. Nước này cũng dẫn đầu trong việc mở rộng nguồn cung nguyên liệu cần thiết để sản xuất vắc xin.
Thành công trong việc kiểm soát sớm đại dịch cũng cho phép Trung Quốc bắt tay sớm vào sản xuất vắc xin.
Ở trong nước, chương trình tiêm chủng của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các thành phố lớn. Ở Bắc Kinh, thủ đô với 21 triệu dân, có khoảng 9 triệu dân đã được tiêm chủng, Mặc dù liều lượng tích lũy được dùng để tiêm chủng trong nước chỉ rơi vào khoảng 8% tổng dân số, nhưng Trung Quốc không ghi nhận phản ứng dữ dội nào của công chúng chống lại việc chính phủ tăng cường xuất khẩu vắc xin ra nước ngoài.
Một yếu tố khác giúp Trung Quốc vươn lên trên đường đua xuất khẩu vắc xin là sự tranh giành giữa các quốc gia giàu có để đảm bảo đủ vắc xin cho dân số của họ. Tình huống này khiến các quốc gia thu nhập thấp và trung bình không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào các nguồn cung vắc xin từ Trung Quốc và Nga.
Thêm vào đó, năng lực sản xuất vắc xin yếu hơn của các loại vắc xin phương Tây cũng gây ra sự chậm trễ, buộc nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng vắc xin của Trung Quốc. Chẳng hạn, Ấn Độ gần đây đã đình chỉ xuất khẩu vắc xin AstraZeneca do nước này sản xuất trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày tại Ấn Độ tăng lên mức kỷ lục mới - 103.558 ca hôm 5/3. Động thái này đã buộc Nepal, quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn cung vắc xin của Ấn Độ, phải mua 800.000 liều vắc xin từ Trung Quốc.
Tại EU, Hungary đã chấp thuận sử dụng một loại vắc xin Trung Quốc do sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin trên toàn châu Âu.
Bắc Kinh không giấu giếm ý định sử dụng vắc xin Covid-19 như một công cụ ngoại giao. Chẳng hạn, Guyana đột ngột hủy bỏ thỏa thuận với Đài Loan về việc mở văn phòng đại diện tại quốc gia Nam Mỹ này ngay sau khi được Trung Quốc đề nghị tặng vắc xin Covid-19.
Matthew Mingey, một nhà phân tích cấp cao thuộc nhóm Chính sách Vĩ mô Trung Quốc tại Rhodium Group cảnh báo rằng việc phụ thuộc vào nguồn cung vắc xin Covid-19 Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chẳng hạn, Trung Quốc gần đây đã vận động để các quốc gia công nhận hộ chiếu vắc xin của nước này. Đồng thời Bắc Kinh cũng bắt đầu cung cấp Giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế và công bố kế hoạch đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh vào Trung Quốc cho những công dân nước ngoài đã được tiêm vắc xin Covid-19 của Trung Quốc.
Ý tưởng hộ chiếu vắc xin cho đến nay vẫn gây tranh cãi vì có sự khác biệt giữa các loại hộ chiếu được cấp bởi các chính phủ khác nhau. Loại hộ chiếu mà Trung Quốc đang sử dụng sẽ chỉ ưu tiên cho người nước ngoài nhập cảnh nếu họ đã được tiêm vắc xin của Trung Quốc. Nhưng vắc xin của Trung Quốc hiện chưa được chấp thuận ở hầu hết các quốc gia công nghiệp. Điều này đồng nghĩa các quốc gia chưa chấp thuận vắc xin Trung Quốc sẽ đứng trước sức ép về mặt lợi ích.