Chile "đặt cược" chiến dịch tiêm chủng Covid-19 vào vắc xin Trung Quốc: kết quả ra sao?

03/04/2021 10:11 GMT+7
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của Chile "đặt cược" gần như chủ yếu vào vắc xin Sinovac của Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán mua vắc xin Covid-19 Sinovac của Trung Quốc đã được Chile thúc đẩy từ tháng 5/2020. Thời điểm đó, Chile là một trong những quốc gia có tổng số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất khu vực Mỹ Latinh với khoảng 70.000 ca nhiễm, gần như đã đạt đến ngưỡng giới hạn của hệ thống y tế trong nước.

Đó là khi các cơ quan y tế của quốc gia này bắt đầu thảo luận với các nhà phát triển vắc xin tiềm năng trên khắp thế giới để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở Chile và mở ra cơ hội tiếp cận vắc xin dễ dàng hơn cho đất nước.

Chile "đặt cược" chiến dịch tiêm chủng Covid-19 vào vắc xin Trung Quốc: kết quả ra sao? - Ảnh 1.

Chile "đặt cược" chiến dịch tiêm chủng Covid-19 vào vắc xin Trung Quốc

Hiện nay, Chile là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cao nhất, một thành tựu nhờ kế hoạch hành động sớm mua vắc xin từ nhiều nguồn của chính phủ. Hơn 6,6 triệu trong số 19 triệu người dân Chile đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19 và hơn 3,5 triệu dân, tương đương gần 20% dân số, đã tiêm cả hai liều. Để so sánh, chỉ có 2,1% trong số 210 triệu dân của quốc gia láng giềng Brazil đã tiêm đủ hai liều vắc xin, dù Brazil hiện là một trong ba ổ dịch Covid-19 lớn nhất hành tinh.

Trong đó, vắc xin từ Sinovac - một công ty dược phẩm Trung Quốc vẫn gây tranh cãi vì chưa công bố dữ liệu kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối - đóng vai trò quan trọng đặc biệt. Phần lớn các mũi tiêm được cung cấp cho người dân Chile đến nay được sản xuất bởi Sinovac.

Rodrigo Yanez, Thứ trưởng Bộ Thương mại Chile và người đứng đầu các thương vụ đàm phán mua vắc xin Covid-19 cho hay Chile đã “đặt cược” vào vắc xin Trung Quốc Sinovac. “Tôi có thể nói rằng chiến lược của Chile là “đặt trứng trong nhiều giỏ”. Chúng tôi bắt đầu đàm phán với các công ty dược phẩm từ rất sớm, khoảng tháng 5 năm ngoái. Nhưng có một sự đánh cược quan trọng vào vắc xin Sinovac. Chúng tôi đã nhận được 12 triệu liều vắc xin từ Sinovac và thêm 1,3 triệu liều của Pfizer”.

Sinovac là một trong số các công ty dược phẩm đã tổ chức thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Chile và việc Chile tham gia thử nghiệm đã giúp nước này tiếp cận sớm hơn với vắc xin hơn hẳn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Vắc xin Trung Quốc Sinovac mang tên CoronaVac ban đầu được báo cáo tỷ lệ hiệu quả 78% với các thử nghiệm lâm sàng ở Brazil, nhưng sau đó được điều chỉnh giảm xuống 50,4%. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hiệu quả 95% và 94% đối với vắc xin Pfizer và Moderna mà các nước giàu như Mỹ, EU đã mua.

Peter English, một nhà tư vấn về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, cho biết trong một tuyên bố rằng mặc dù Sinovac đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 tổng thể dựa trên thử nghiệm được thực hiện ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn chưa có dữ liệu nào từ các cuộc thử nghiệm ở Indonesia và Chile được công bố. Các thông tin được tiết lộ trong thông cáo báo chí cũng rất hạn chế, không có bảng phân tích dữ liệu chi tiết, bao gồm cả độ tuổi của những người tham gia thử nghiệm lâm sàng.

Tương tự như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, các nhà lãnh đạo ở Chile đã có ý kiến phản đối việc Sinovac không công bố dữ liệu chi tiết trong nỗ lực nâng cao niềm tin của công chúng vào vắc xin Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Thương mại Chile Rodrigo Yanez cam kết sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lý y tế Chile nghiên cứu và đưa ra quyết định của riêng họ. Ông cho biết Đại học Giáo hoàng Công giáo Chile đang thực hiện các thử nghiệm giai đoạn 3 của riêng mình đối với vắc xin Sinovac và sẽ công bố kết quả ngay khi tất cả thử nghiệm hoàn thành.

“Sau khi triển khai chiến dịch này, sự ngờ vực hoặc lo ngại (về vắc xin Sinovac) đã giảm đáng kể. Các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có khoảng 10% không sẵn sàng hoặc không nghĩ đến việc tiêm vắc xin, giảm mạnh từ mức 35-40% trong các cuộc thăm dò những tháng trước đó” ông Yanez nói thêm.

Ông Yanez cũng cho biết 80% dân số cao tuổi ở Chile đã được tiêm chủng, chủ yếu là vắc xin Sinovac. Kết quả đến nay cho thấy “tính an toàn và tạo kháng thể cực kỳ tốt”.

Tuy vậy, Chile vẫn đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao. Tuần trước, Chile ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày ở cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu - 7.084 ca.


NTTD
Cùng chuyên mục