Trung Quốc: PPI tiếp tục tăng vọt trong tháng 7 bóp nghẹt lợi nhuận doanh nghiệp

09/08/2021 10:56 GMT+7
Chỉ số giá sản xuất PPI trong tháng 7 của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn cả tháng 6, vượt dự báo của các nhà phân tích, gây áp lực lên lợi nhuận doanh nghiệp.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng vọt 9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) hôm 9/8. Trước đó, các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters đã dự đoán PPI sẽ tăng 8,8% trong tháng 7, ở mức tương đương tháng 6.

Nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản đã phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19, tuy nhiên đà tăng trưởng đang chậm dần khi các doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép từ giá nguyên liệu thô cao và sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo tại một số quốc gia do biến chủng delta với khả năng lây nhiễm cao cũng đang đe dọa làm chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Thêm vào đó, chính Trung Quốc cũng đang phải đối diện với sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, buộc chính quyền nhiều địa phương áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt tại một số khu vực. Các trận mưa lớn, lũ lụt tồi tệ hồi tháng 7 qua cũng làm gián đoạn một số hoạt động kinh tế, dẫn đến sức ép lớn hơn cho các doanh nghiệp.

Nếu xét trên cơ sở hàng tháng, PPI trong tháng 7 đã tăng khoảng 0,5% so với tháng 6. 

Trung Quốc: PPI tiếp tục tăng vọt trong tháng 7 bóp nghẹt lợi nhuận doanh nghiệp - Ảnh 1.

Chỉ số giá sản xuất PPI tiếp tục tăng vọt trong tháng 7 bóp nghẹt lợi nhuận doanh nghiệp Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Tuần trước, NBS cho biết chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm từ mức 50,9 hồi tháng 6 xuống chỉ còn 50,4 trong tháng 7. Đây cũng là tháng mà Trung Quốc ghi nhận chỉ số PMI thấp nhất kể từ thời điểm tháng 2/2020, khi chính phủ Bắc Kinh phong tỏa hàng loạt tỉnh thành để kiểm soát sự lây lan đại dịch Covid-19. Chi phí nguyên liệu thô tăng vọt là một trong những nguyên nhân làm chậm đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, nguy cơ làm chậm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hồi tháng 5 năm nay, PPI của Trung Quốc cũng đạt mức tăng trưởng 9%, mức chi phí sản xuất nhanh nhất mà Trung Quốc từng chứng kiến kể từ tháng 9/2008 đến nay, theo Wind Information. Mức tăng vượt qua dự báo 8,5% của các nhà phân tích Reuters.

Thời điểm đó, bà Gan Jie, giáo sư tài chính kiêm giám đốc học thuật chương trình MBA tại Trường Kinh doanh Cheung Kong, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết giá nguyên liệu thô tăng là mối quan tâm đặc biệt đối với các công ty kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như sắt thép. “Đây là nhóm ngành bi quan nhất, họ cảm thấy chi phí đang tăng mạnh và sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành khác tỏ ra lạc quan hơn rằng sự tăng giá sản xuất sẽ sớm kết thúc. Nhận định được đưa ra dựa trên khảo sát với 2.000 công ty Trung Quốc từ nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau.

“Doanh nghiệp cảm thấy đang bị bóp nghẹt lợi nhuận. Một số công ty thậm chí còn ngừng nhận đơn đặt hàng lúc này vì càng sản xuất càng lỗ. Lợi nhuận ròng của họ thậm chí rơi xuống mức âm” - bà Gan Jie nói thêm.

Ông Wang Jiangping, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin hồi tuần trước nhận định rằng tác động của việc tăng chi phí sản xuất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là “khá lớn”. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, tỷ suất lợi nhuận hoạt động của nhóm này chỉ là 6%, thấp hơn khoảng 2% so với các doanh nghiệp lớn. 

Khi tình trạng này tiếp tục kéo dài, chính phủ Trung Quốc gần đây đã tăng cường các nỗ lực kiềm chế đà tăng giá hàng hóa, bao gồm việc giám sát các sàn giao dịch và giải phóng trữ lượng dự trữ quốc gia. Nhờ đó, giá một số nguyên liệu thô đã dần có sự hạ nhiệt. Chẳng hạn, giá quặng sắt Đại Liên giảm 10% trong tháng 7, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020.

Cũng theo NBS, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức mục tiêu của chính phủ Bắc Kinh là khoảng 3% trong năm nay. Tính trên cơ sở tháng, chỉ số CPI cơ bản tăng 0,3% so với tháng 6.

Lạm phát lõi đứng ở mức 1,3%.


NTTD
Cùng chuyên mục