Cảng biển Trung Quốc nhộn nhịp chưa từng có do xuất khẩu tăng đột biến, sản xuất thêm trăm nghìn container vẫn chưa đủ
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) mới đây trích dẫn báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho hay trong 6 tháng đầu năm, các cảng của Trung Quốc đã xử lý tổng cộng 7,64 tỷ tấn hàng hóa, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng, tương đương khoảng 2,36 tỷ tấn; tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 11,53% so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.
Số lượng container tăng 15% lên 138 triệu TEU (container tiêu chuẩn 20 ft) trong nửa đầu năm.
Sun Wenjian, một phát ngôn viên của Bộ Giao thông Vận tải cho hay trong cuộc họp báo hồi tuần trước rằng lượng hàng hóa và container tăng đột biến tại các cảng phản ánh đà tăng trưởng kim ngạch thương mại nhanh chóng của Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm 2021 tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,52 nghìn tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng 36% lên 1,27 nghìn tỷ USD.
Cảng Ninh Ba - Chu Sơn tại tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc là cảng xử lý lượng hàng hóa lớn nhất, chiếm tới 12% trong tổng sản lượng hàng hóa ngoại thương của cả nước. Xếp thứ hai là cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông và thứ ba là cảng Thượng Hải, lần lượt chiếm 10% và 8,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của quốc gia.
Các cảng ở Thâm Quyến, trung tâm công nghiệp - công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc, cũng báo cáo mức tăng trưởng sản lượng hàng hóa 23,4% mặc dù cảng lớn nhất Thâm Quyến là Diêm Điền đã bị đóng cửa trong 3 tuần liên tiếp hồi quý II vừa qua do sự bùng phát một ổ dịch Covid-19.
Nhìn chung, theo ông Sun, các cảng của Trung Quốc đã thành công trong việc tăng cường hiệu suất hoạt động suốt thời kỳ đại dịch, một phần nguyên nhân nhờ áp dụng hệ thống hậu cần không giấy tờ và đơn giản hóa thủ tục thông quan.
Bertrand Chen, Giám đốc điều hành của Global Shipping Business Network, một nền tảng trao đổi dữ liệu phi lợi nhuận cho biết nền tảng này đã giúp các cảng lớn tại Trung Quốc giảm thời gian giải phóng hàng hóa thông qua áp dụng công nghệ blockchain. “Trung Quốc đã nỗ lực xử lý các thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu hơn nhiều quốc gia khác do họ có khả năng điều phối quá trình đổi mới một cách nhanh chóng”.
Hiệu suất cao của các cảng Trung Quốc hoàn toàn tương phản với tình trạng ùn ứ, gián đoạn tại nhiều cảng khác trên toàn cầu. Dù nhu cầu toàn cầu về dịch vụ hậu cần vẫn tăng mạnh, sự gián đoạn vận chuyển di tình trạng thiếu container, các ổ dịch bùng phát trở lại… tiếp tục tạo nên nhiều thách thức mới với ngành vận tải, theo dự báo mới nhất từ gã khổng lồ vận tải biển Maersk.
Theo Maersk, kể từ tháng 7, các cảng lớn ở Trung Quốc đã báo cáo tình trạng thiếu container hàng loạt. Trong khi đó, tại Bắc Mỹ và châu Âu, container rỗng đang chất đống do sản xuất ít sản phẩm xuất khẩu hơn. Để giải quyết vấn đề này, các nhà chức trách Trung Quốc đã thúc giục nhiều nhà sản xuất container trong nước tăng sản lượng container. Điều đó lý giải vì sao sản lượng container tại Trung Quốc trong tháng 7 đạt kỷ lục 500.000 TEU, tức tăng gấp 2,5 lần công suất thông thường.
Theo Drewry, một công ty tư vấn hàng hải của Anh, Trung Quốc sản xuất hơn 96% container hàng khô và 100% container lạnh mới cung cấp cho toàn cầu trong thời gian qua. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là nguy cơ dư cung container sau khi đại dịch kết thúc và hoạt động vận tải bình thường hóa trở lại.
Thêm vào đó, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu hiện tại có nguy cơ thách thức triển vọng thương mại của Trung Quốc trong nửa cuối năm. Một chỉ số đo lường đơn đặt hàng xuất khẩu mới nằm trong chỉ số PMI sản xuất tháng 7 của Trung Quốc đã giảm xuống mức 47,7, tháng giảm thứ 4 liên tiếp.
Li Qilin, nhà kinh tế trưởng tại Hongta Securities nhận định: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc trước đây phụ thuộc vào các chính sách kích thích tiền tệ của các ngân hàng Trung ương nước ngoài. Nhưng giờ đây, các ngân hàng này xem xét kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ”. Nếu không có các khoản trợ cấp tiền mặt này, người tiêu dùng nước ngoài có thể sẽ bắt đầu giảm chi tiêu, dẫn đến nhu cầu với hàng hóa Trung Quốc giảm bớt. Thêm vào đó, khi các chuỗi cung ứng nước ngoài khôi phục, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc khó có thể duy trì mức độ thịnh vượng như nửa đầu năm”.
Tuy nhiên, từ góc nhìn lạc quan hơn, ông Zhong Zhengsheng, nhà kinh tế trưởng tại Ping An Securities cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục đi lên dù với tốc độ chậm lại khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi từ đại dịch.