Trung Quốc quyết vượt mặt Mỹ trong chiến lược đầu tư vào ASEAN

05/07/2021 16:43 GMT+7
Trung Quốc đang thúc đẩy hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực Đông Nam Á trong một chiến dịch hạn chế tầm ảnh hưởng của Mỹ ở các quốc gia láng giềng này.

Mới đây nhất, chính phủ Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trởi ở Malaysia. Nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án này là tập đoàn năng lượng mặt trời Risen Energy, công ty đã đầu tư 42,2 tỷ ringgit (10,1 tỷ USD) vào ngành công nghiệp quang điện ở Malaysia.

Cuối tháng 6 qua, Trung Quốc cũng có cuộc thảo luận trực tuyến với các quan chức cấp cao một số quốc gia đối tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo đó, phía Trung Quốc đề nghị cung cấp vắc xin Covid-19 và tăng cường hợp tác trong bối cảnh các chính phủ nỗ lực chuyển hướng sang nền kinh tế xanh. Quyết định đầu tư của Risen Energy tại Malaysia có thể là một phần mục tiêu của Bắc Kinh.

Bên cạnh dự án cơ sở hạ tầng tại Malaysia kể trên, Trung Quốc cũng đang nỗ lực siết chặt quan hệ với nhiều quốc gia khác trong khối các nước Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN.

Trung Quốc quyết vượt mặt Mỹ trong chiến lược đầu tư vào ASEAN - Ảnh 1.

Trung Quốc quyết vượt mặt Mỹ trong chiến lược đầu tư vào ASEAN (Ảnh: Reuters)

Vào ngày 7/6, Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp mặt trực tiếp đầu tiên trong vòng 16 tháng với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN tại Trùng Khánh. Thời điểm đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho Jakarta, đồng thời thúc đẩy nhập khẩu các sản phẩm của Indonesia.

Hôm 22/6, Trung Quốc cũng đồng ý với Campuchia tăng tốc hợp tác để cải thiện mạng lưới giao thông vận tải. Bắc Kinh dự định sẽ hỗ trợ Campuchia bằng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Theo Tân Hoa xã, Chính phủ Lào ngày 7/6 đã phê duyệt dự án xây dựng một tuyến đường cao tốc dài 580 km với kinh phí 5,1 tỷ USD với sự viện trợ của Trung Quốc.

Còn tại Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã đầu tư vào khoảng 61 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư ước tính 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tờ Nikkei Asian Review chỉ ra rằng các dự án quy mô lớn mà Trung Quốc đầu tư tại Đông Nam Á, chẳng hạn nhà máy năng lượng mặt trời ở Malaysia đang được nhiều chuyên gia nhìn nhận như một nỗ lực làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Trước đóm vào tháng 3 năm nay, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP trước thời hạn 3 tháng và đẩy nhanh các công tác chuẩn bị kỹ thuật cần thiết để đảm bảo hiệp ước đi vào thực tiễn sớm nhất với quy trình cắt giảm thuế quan và chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa thương mại suôn sẻ nhất.

RCEP là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự tham gia của 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á cùng với 5 nền kinh tế lớn khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Với việc tham gia vào RCEP, Trung Quốc dự kiến có thể tăng cường phạm vi ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á - một khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ Trung không có dấu hiệu giảm nhiệt. RCEP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 quốc gia thành viên ngoài ASEAN phê chuẩn Hiệp định. Trong trường hợp được thông qua sớm, Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực vào khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.


NTTD
Cùng chuyên mục