Trung Quốc rót vốn kỷ lục vào ngành công nghiệp chip

29/06/2021 14:48 GMT+7
Các công ty chip của Trung Quốc đang tiếp tục hút vốn đầu tư hàng tỷ USD khi Bắc Kinh tìm cách xây dựng ngành công nghiệp chip riêng để đáp ứng nhu cầu trong nước và giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Theo một báo cáo được công bố vào tuần trước bởi công ty luật Katten có trụ sở tại Mỹ và Ijiwei.com, công ty giám sát ngành công nghiệp chip Trung Quốc, 164 công ty chip của Trung Quốc đã nhận được số vốn đầu tư lên tới 40 tỷ Nhân dân tệ (6,19 tỷ USD) trong 5 tháng đầu năm 2021.

Mặc dù con số này chậm hơn so với năm 2020, năm mà toàn ngành chip Trung Quốc huy động được 140 tỷ Nhân dân tệ đầu tư trong cả năm; nhưng con số 40 tỷ Nhân dân tệ của 5 tháng đầu năm 2021 đã gần bằng với tổng số tiền mà các công ty chip nước này huy động được trong cả năm 2019.

Báo cáo có tiêu đề "Sổ tay thực hành về đầu tư vốn tư nhân vào ngành chip" nghiên cứu lĩnh vực chip Trung Quốc từ nhiều khía cạnh bao gồm đầu tư, thẩm định, tài liệu pháp lý và đàm phán, diễn giải các hợp đồng kinh doanh, các vấn đề sở hữu trí tuệ và các rủi ro thường gặp. Báo cáo chỉ ra các công ty chip Trung Quốc chủ yếu huy động vốn thông qua các gói đầu tư của chính phủ, thị trường đầu tư mạo hiểm, quỹ tín dụng và các đợt IPO. Đáng chú ý nhất là các đợt IPO trên sàn STAR Thượng Hải.

Năm ngoái, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc SMIC đã huy động được 45,6 tỷ Nhân dân tệ thông qua niêm yết thứ cấp trên sàn STAR. SMIC đã niêm yết tại Hong Kong từ trước đó.

Trung Quốc rót vốn kỷ lục vào ngành công nghiệp chip - Ảnh 1.

Trung Quốc rót vốn kỷ lục vào ngành chip khi căng thẳng công nghệ Mỹ - Trung ngày càng nóng lên (Ảnh: Reuters)

Báo cáo mới của Katten kết hợp cùng Ijiwei.com cũng chỉ ra phần lớn dòng vốn vào các công ty chip sẽ được chuyển cho các nhà sản xuất chip, đặc biệt là những công ty thuộc các ngành công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, viễn thông, quang điện tử.

Han Lijie, nhà phân tích tại văn phòng Katten chi nhánh Thượng Hải nhận định: “Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang xem xét nhiều yếu tố bao gồm kinh nghiệm nghiên cứu và sản xuất của công ty, phân khúc thị trường, nguồn khách hàng và tài sản sở hữu trí tuệ. Điều này khác với các vòng đầu tư trước đó, khi nhà đầu tư chủ yếu quan tâm đến đội ngũ sáng lập và kế hoạch kinh doanh”.

“Sự kìm hãm của Mỹ với lĩnh vực sản xuất chip của Trung Quốc thông qua hạn chế xuất khẩu vật liệu và công nghệ quan trọng cũng như giám sát các thương vụ công ty Trung Quốc mua lại công ty Mỹ đồng nghĩa các doanh nghiệp Trung Quốc không có cách nào tiếp cận được với công nghệ và sản phẩm công nghiệp tiên tiến của Mỹ” - chuyên gia Han Lijie cảnh báo thêm. “Về lâu dài, lĩnh vực chip trong nước của Trung Quốc cần thay thế các công nghệ chủ chốt bằng cách đột phá trong nghiên cứu; đồng thời tìm kiếm các nhà cung cấp khác bên ngoài thị trường Mỹ nhằm giải quyết sự phụ thuộc cơ bản vào công nghệ và sản phẩm của Mỹ”.

Trung Quốc cũng đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp chip tự lực tự cường là một trong những ưu tiên hàng đầu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu trong thời gian qua cũng khiến mục tiêu này trở nên cấp thiết hơn.

Riêng trong năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã chi số tiền kỷ lục 231,6 tỷ Nhân dân tệ (33 tỷ USD) trợ cấp cho ngành công nghiệp chip nhằm thúc đẩy khả năng tự lực trong nước khi cuộc chiến công nghệ với Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt.


NTTD
Cùng chuyên mục