Trung Quốc tăng mua hơn 90% sắn xuất khẩu của Việt Nam để làm gì?

15/09/2022 14:57 GMT+7
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 2,1 triệu tấn sắn và mặt hàng sắn, trong đó Trung Quốc chiếm tới 93%, tương ứng đạt 1,95 triệu tấn.

Thị trường Trung Quốc chiếm hơn 90% xuất khẩu sắn của Việt Nam

Từ đầu tháng 9/2022 đến nay, giá sắn tươi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên ổn định, nguồn cung ít biến động. Có thêm nhiều nhà máy tinh bột sắn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Sơn La chạy lại máy sau thời gian nghỉ hết vụ. Tồn kho sắn lát vụ cũ còn rất ít, nhiều khả năng cuối tháng này mới có hàng mới bán ra thị trường. 

Mặt hàng tinh bột sắn của Việt Nam vẫn tạm dừng thông quan qua Lối mở Km3+4 Hải Yên/Chợ biên mậu Đông Hưng và cửa khẩu Ka Long/Bến biên mậu Đông Hưng. Phía Đông Hưng (Trung Quốc) siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch do các ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến. 

Trung Quốc tăng mua hơn 90% sắn xuất khẩu của Việt Nam để làm gì? - Ảnh 1.

Thị trường Trung Quốc chiếm hơn 90% xuất khẩu sắn của Việt Nam

Niên vụ sắn 2022/23, tỉnh trồng sắn lớn nhất cả nước là Phú Yên đã trồng được 25.191 ha sắn (trong đó tại huyện Sông Hinh là 9.200 ha, Sơn Hòa 8.100 ha, Đồng Xuân 4.531 ha, Tây Hòa 2.288 ha, Phú Hòa 372 ha, Tuy An 371 ha và thị xã Sông Cầu 329 ha), nhưng hiện nay, bệnh khảm lá virus đang phát sinh gây hại trên 57% diện tích, ở giai đoạn sắn phát triển thân lá và tích lũy bột. Bệnh khảm lá virus gây hại trên cây sắn tập trung ở các huyện: Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và Tuy An; trong đó, huyện Sông Hinh có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá virus nhiều nhất với 5.700 ha (tỷ lệ nhiễm bệnh từ 6% đến 50%/cây). Tiếp đến là huyện Đồng Xuân với diện tích sắn nhiễm bệnh là 4.200 ha (tỷ lệ nhiễm bệnh từ 5% đến 50%/cây), huyện Sơn Hòa 3.030 ha, huyện Tây Hòa 1.400 ha, huyện Phú Hòa 100 ha, huyện Tuy An 100 ha…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu được 206,55 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 96,77 triệu USD, tăng 7,3% về lượng và tăng 10,4% về trị giá so với tháng 7/2022; So với tháng 8/2021 tăng 9% về lượng và tăng 15,1% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 468,5 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 7/2022 và tăng 5,5% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,13 triệu tấn, trị giá 937,69 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trung Quốc tăng mua hơn 90% sắn xuất khẩu của Việt Nam để làm gì? - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 8/2022, xuất khẩu sắn đạt 12,47 nghìn tấn, trị giá 3,84 triệu USD, giảm 61,9% về lượng và giảm 61,9% về trị giá so với tháng 7/2022; So với tháng 8/2021 giảm 52,4% về lượng và giảm 40,9% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 308,2 USD/tấn, tăng 0,04% so với tháng 7/2022 và tăng 24,1% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn đạt 583,99 nghìn tấn, trị giá 170,66 triệu USD, giảm 13,5% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong tháng 8/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93,9% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của cả nước, với 193,89 nghìn tấn, trị giá 90,9 triệu USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 12,7% về trị giá tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 tăng 8,4% về lượng và tăng 14% về trị giá. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,95 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 858,17 triệu USD, tăng 6,8% về lượng và tăng 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc tăng mua hơn 90% sắn xuất khẩu của Việt Nam để làm gì? - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Mặt hàng sắn Việt Nam vẫn chưa thực sự đứng vững tại Trung Quốc

Dù là thị trường cung cấp lớn thứ 2 một số sản phẩm sắn và sản phẩm từ sắn cho Trung Quốc, nhưng mặt hàng này của ta vẫn chưa thực sự đứng vững tại Trung Quốc.

Theo báo cáo của Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong tổng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc thì có tới hơn 65% sản lượng toàn ngành xuất khẩu theo điều kiện giao hàng tại biên giới, qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… Chính vì vậy, khi có các chính liên quan đến dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc đóng cửa đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến phần lớn doanh nghiệp sắn của Việt Nam.

Với sắn: Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu sắn lát (HS 071410) của Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022, đạt 1,45 tỷ USD, tăng 65,9% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 90,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với mức 87,5% của cùng kỳ năm 2021. 

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 146,08 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 9,1% trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 11,7% của 7 tháng đầu năm 2021.

Với tinh bột sắn: Trong 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,61 triệu tấn tinh bột sắn (HS 11081400), trị giá 1,36 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 48,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 1,01 triệu tấn, trị giá 515,99 triệu USD, tăng tới 248,2% về lượng và tăng 289,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 38,68%, tăng mạnh so với mức 14,86% của 7 tháng đầu năm 2021.

Thực tế hiện nay, nhu cầu đối với sản phẩm sắn của Trung Quốc vẫn rất cao. Ngoài sử dụng cho con người, Trung Quốc tăng nhập sắn về để làm thức ăn chăn nuôi thay thế cho các nguyên liệu khác đang tăng cao.

Tại thị trường Trung Quốc, sắn và các sản phẩm sắn của Thái Lan đang cạnh tranh mạnh với sắn của Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường trọng điểm này. Sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thái Lan.

Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ đầu năm 2022.

Dù là ngành hàng xuất khẩu thu về cả tỷ USD mỗi năm, song ngành sắn cũng còn không ít hạn chế, tồn tại gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.

Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,8% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự thiếu bền vững và bị động.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam có nhiều khâu trung gian, chi phí logistics của Việt Nam cao nên tính cạnh tranh quốc gia thấp; hiện phải canh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái Lan, Campuchia, Lào.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam không có cách nào khác là nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách xuất khẩu, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít…) gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong đó có ngành sắn.

Dự báo năm 2022, Trung Quốc sẽ có nhu cầu nhập khẩu lớn hơn nữa và sẽ nhập khẩu nhiều hơn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam do điều kiện địa lý thuận lợi. Tuy nhiên, rủi ro cho người nông dân ở chỗ xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc không chỉ khó khăn do chính sách "Zero Covid" mà còn gặp nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Cục Hải quan Trung Quốc ban hành và áp dụng từ năm 2022.

Để tăng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sắn, các chuyên gia cho rằng, các nhà máy chế biến sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam cần đổi mới công nghệ chế biến để phát triển một cách đa dạng các sản phẩm sắn; tăng cường mở rộng thêm vùng nguyên liệu; giải quyết triệt để vần đề xử lý chất thải trong chế biến sắn, đảm bảo an toàn môi trường.

Để phát triển giá trị của sắn, các địa phương cần nghiên cứu tạo cơ chế để tăng cường liên kết giữa vùng sản xuất và nhà máy chế biến, tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển hợp tác xã tại các vùng sản xuất sắn; đầu tư xây dựng nhà máy phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu. 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục