Trung Quốc trả thù lao ngất ngưởng, 'bòn rút' nhân tài từ Nhật Bản
Trong khi các học giả Nhật Bản gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm ở trong nước, chính phủ Bắc Kinh đang có xu hướng tăng cường chính sách thu hút nhân tài, chủ động mời các học giả tầm cỡ từ khắp thế giới.
Toru Takahata, nhà nghiên cứu sinh học Nhật Bản hiện đang công tác tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) cho hay: “Tôi muốn làm việc ở Nhật Bản nhưng tôi không thể tìm thấy công việc tuyển dụng nào”. Ông Takahata (43 tuổi) có bằng Tiến sĩ Đại học Cao học Nhật Bản từ năm 2005 và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Vanderbilt, Mỹ vài năm 2008. Suốt năm 2013, Takahata đã vật lộn tìm kiếm việc làm ở Nhật Bản nhưng vô ích. Sau đó, ông đến công tác tại Trung Quốc và được nhận vào Đại học Chiết Giang năm 2014. Tại đây, Toru Takahata được tạo điều kiện hết sức thuận lợi với phòng thí nghiệm riêng, tiền lương cao và khoản thù lao tương đương 50 triệu JPY (gần 480.000 USD) cho 5 năm hoạt động nghiên cứu. Mặc dù các yêu cầu về kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc khá khắt khe nhưng nhìn chung, mức thù lao cho nghiên cứu thành công cao hơn nhiều so với Nhật Bản, theo nhà nghiên cứu Takahata.
Bên cạnh những học giả trẻ và trung niên, Trung Quốc cũng tăng cường thu hút các học giả kỳ cựu của Nhật Bản. Toshitaka Kajino (64 tuổi), giáo sư tại Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản đã trở thành giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế về vũ trụ và nguyên tố Big Bang tại Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh vào tháng 10/2016. Được biết, ông Kajino đã nhận được lời mời làm việc nồng nhiệt từ chính phủ Trung Quốc với mức thù lao hàng năm cao hơn đáng kể các giáo sư khác trong ngành. Ông cũng được tạo điều kiện kiêm nhiệm cả vai trò tại Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản và công việc nghiên cứu tại Trung Quốc.
Toru Takahata và Toshitaka Kajino chỉ là hai trong số hàng ngàn trường hợp học giả Nhật Bản được thu hút sang làm việc tại Trung Quốc. Một thống kê gần đây cho thấy lượng học giả Nhật Bản làm việc tại Trung Quốc đang không ngừng tăng lên. Tính đến tháng 10/2017, đã có khoảng 8.000 giáo sư, tiến sĩ Nhật Bản tìm đến Trung Quốc, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Còn theo Bộ Giáo dục - Văn hóa - Thể thao Nhật Bản, số học giả Nhật Bản ở lại Trung Quốc công tác dưới 1 tháng trong năm lên tới 18.460 người vào năm 2018, tức tăng 25% so với năm 2014.
Thống kê theo quốc gia, Trung Quốc là nước có lượng học giả Nhật Bản công tác lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Sự hiện diện ngày càng nhiều của chuyên gia Nhật Bản tại Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông Nhật Bản, những người quan ngại rằng kế hoạch thu hút nhân tài của Bắc Kinh sẽ gây ra hiện tượng chảy máu chất xám trong nước. Một số ý kiến còn lo ngại Trung Quốc có thể tận dụng các chuyên gia và các công trình nghiên cứu khoa học để khai thác sức mạnh công nghệ của Nhật Bản, qua đó gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia.
Trên thế giới, Trung Quốc cũng đang tích cực đẩy mạnh chương trình thu hút nhân tài. Theo Viện Chính sách Chiến lược Australia, Trung Quốc có hơn 600 "cơ sở tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài". Trong đó, 46 cơ sở được đặt tại Nhật Bản. Một số người cho rằng điều kiện làm việc kém và chính sách đãi ngộ kém hấp dẫn tại Nhật Bản cũng là một phần nguyên nhân các học giả lựa chọn làm việc tại Trung Quốc.
Chính phủ Bắc Kinh đã dành khoản ngân sách lên tới 28 nghìn tỷ JPY cho nghiên cứu khoa học và công nghệ trong năm tài chính 2018, lớn hơn nhiều so với con số 3,8 nghìn tỷ JPY của Nhật Bản.