Kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc

30/11/2020 11:34 GMT+7
Khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trì trệ, tờ Nikkei Asian chỉ ra rằng kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Thế giới ngày càng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc

Tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc ra thị trường thế giới đang ngày một tăng lên, thậm chí còn vượt mức trước khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung nổ ra vào năm 2018. Các nhà quan sát dự báo với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP được ký kết gần đây, sự hiện diện của Trung Quốc trong sân chơi thương mại toàn cầu sẽ còn lớn hơn nữa.

Nikkei Asian, tờ tạp chí tài chính kinh tế hàng đầu Châu Á gần đây đã phân tích dữ liệu 3.800 sản phẩm do Trung tâm Thương mại Quốc tế tổng hợp. Dữ liệu chỉ ra rằng trong năm 2019, có tới 320 sản phẩm trong danh sách mà Trung Quốc chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu. Hồi năm 2001, thời điểm Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, con số này chỉ là 61 sản phẩm.

Số lượng sản phẩm mà Trung Quốc chiếm thị phần xuất khẩu cao đã ngừng tăng từ năm 2016, thời điểm Tổng thống Trump nhậm chức tại Nhà Trắng và châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại. Nhưng con số này đã tăng trở lại gần đây, nhất là khi Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.

Kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 2.

Số lượng sản phẩm mà Trung Quốc chiếm thị phần xuất khẩu trên 50% tăng mạnh trong 2 thập kỷ qua

Kim ngạch xuất khẩu máy tính mini từ Trung Quốc chiếm tới 66% toàn bộ thị trường xuất khẩu vào năm 2019, với giá trị ước tính 95,6 tỷ USD. Thị phần sản phẩm màn hình tinh thể lỏng được sử dụng trong laptop và smartphone của Trung Quốc cũng vượt quá 50% thị trường toàn cầu. Thị phần điều hòa không khí chiếm hơn 57% trong khi bệ rửa bằng sứ và bồn cầu chiếm tới hơn 80%.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc khi chuỗi cung ứng phục hồi sớm đáp ứng được nhu cầu quốc tế tăng vọt giữa lúc các nhà sản xuất ở quốc gia khác thì vật lộn với cuộc khủng hoảng đại dịch. Hồi tháng 2/2020. Xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 14% tổng giá trị xuất khẩu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cộng thêm Trung Quốc. Con số này tăng lên 17% vào tháng 3 và 24% vào tháng 4 - thời điểm Bắc Kinh tuyên bố kiểm soát thành công đại dịch. Kể từ tháng 5 đến nay, tỷ lệ này duy trì ở mức hơn 20%, vượt qua mức kỷ lục lịch sử 19% mà Trung Quốc đạt được hồi năm 2015. Chi tiêu tiêu dùng phục hồi tại các thị trường quan trọng như Châu Âu và Mỹ cũng tạo đà thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc tăng vọt. Một thống kê mới đây cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc hiện đã vượt qua mức trước khi thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ.

Kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 4.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của OECD cộng với Trung Quốc

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào hàng hóa Trung Quốc đang trở thành nguy cơ lớn với các nước nhập khẩu. Tại Nhật Bản, tình trạng thiếu khẩu trang và các thiết bị y tế đã trở nên trầm trọng vào mùa xuân năm nay do sự phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay sau đó, chính phủ Nhật Bản đã phải đưa ra phương án trợ cấp cho doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Nhật Bản, đặc biệt là các dây chuyền sản xuất mặt hàng thiết yếu như vật tư y tế, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chip bán dẫn, linh kiện công nghệ cao, tinh thể lỏng… Cho đến nay, đã có ít nhất 1.760 đơn đăng ký nhận trợ cấp được gửi tới các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nhiều sản phẩm sẽ gần như không có lợi nhuận nếu chúng được sản xuất tại Nhật Bản, nơi chi phí lao động cao tương đối. Tính từ tháng 5 đến tháng 7/2020. Trung Quốc là nguồn cung cấp khoảng 80% sản phẩm áo choàng bảo hộ y tế vào Nhật Bản. Một công ty đã dời nhà máy sản xuất về Nhật Bản tuyên bố họ không thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm được sản xuất từ Trung Quốc trừ khi chính phủ Nhật Bản hỗ trợ mua hoặc trợ giá.

Chủ tịch Mitsubishi Chemical Holdings, ông Hitoshi Ochi, cho biết chi phí sản xuất và các quy định liên quan của chính phủ sẽ là chìa khóa để các công ty đưa ra các quyết định chiến lược về sản xuất. “Chúng tôi không thể sản xuất tại Nhật Bản nếu không cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất nhựa đỏ (sử dụng trong sản phẩm đèn pha ô tô) tại Trung Quốc”.

Kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc - Ảnh 5.

Dự kiến đến năm 2030, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng vọt 248 tỷ USD

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP được ký kết hôm 15/11 vừa qua cũng có xu hướng thúc đẩy sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực thương mại tự do Châu Á nói riêng và quốc tế nói chung. Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng 500 tỷ USD vào năm 2030 do những tác động tích cực như cắt giảm thuế quan. Trong đó, Trung Quốc nhiều khả năng là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, với giá trị xuất khẩu dự kiến tăng 248 tỷ USD.


NTTD
Cùng chuyên mục