Trước thương vụ mua lại TikTok, Microsoft đã thân thiết với Trung Quốc từ lâu

11/08/2020 07:17 GMT+7
Microsoft mới đây nổi lên như một người mua tiềm năng hàng đầu trong thỏa thuận mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ, một ứng dụng chia sẻ video mà Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần đe dọa cấm cửa vì quan ngại an ninh quốc gia.
Trước thương vụ mua lại TikTok, Microsoft đã thân thiết với Trung Quốc từ lâu - Ảnh 1.

Trước thương vụ mua lại TikTok, Microsoft đã thân thiết với Trung Quốc từ lâu

Tờ Reuters chỉ ra rằng lâu nay, khác với những đại gia công nghệ Mỹ như Alphabet hay Amazon, Microsoft có mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc.

Microsoft làm gì ở Trung Quốc?

Chủ tịch Microsoft Brad Smith hồi đầu năm tiết lộ Trung Quốc đóng góp khoảng 2 tỷ USD doanh thu hàng năm cho đại gia công nghệ Mỹ này. Microsoft hiện có khoảng 6.000 nhân viên tại Trung Quốc, với các văn phòng đặt ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Tô Châu.

Hệ điều hành Windows của Microsoft được sử dụng rộng rãi tại Trung Quốc mặc dù doanh thu từ lâu đã giảm sút do các vụ vi phạm bản quyền tại quốc gia tỷ dân này. Microsoft nhiều năm nay đã lên tiếng phàn nàn về các vụ vi phạm bản quyền Windows tràn lan ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Công ty này cũng nhiều lần phải đối mặt với các vụ kiện tại thị trường tỷ dân.

Xung đột đáng chú ý nhất là hồi năm 2014, khi các nhà chức trách Trung Quốc đột kích bốn văn phòng của Microsoft để yêu cầu quyền truy cập vào nhiều thông tin trong một cuộc điều tra chống rủi ro bảo mật. Cùng năm, Bắc Kinh cũng kêu gọi các cơ quan ngừng sử dụng hệ điều hành Windows 8. Microsoft cuối cùng phải phát hành phiên bản Windows 10 đặc biệt dành riêng cho các cơ quan Chính phủ Trung Quốc thông qua liên doanh được thành lập vào năm 2015 với Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước.

Bất chấp những khó khăn như vậy, trong những năm gần đây, Microsoft vẫn thúc đẩy các sản phẩm mới như điện toán đám mây Azure, ra mắt vào năm 2013 thông qua quan hệ đối tác với công ty Trung Quốc là 21Vianet. Do luật an ninh mạng của Trung Quốc cấm Microsoft cung cấp phần mềm và dịch vụ Azure vào thị trường nội địa nên 21Vianet sẽ chịu trách nhiệm điều hành trung tâm dữ liệu liên quan. Cho đến nay, 21Vianet chỉ chiếm thị phần nhỏ so với các ông lớn công nghệ trong nước như Alibaba, Baidu, Tencent hay Huawei.

Microsoft vận hành cả công cụ tìm kiếm Bing và mạng xã hội LinkedIn ở Trung Quốc, mặc dù chúng một lần nữa lại “lép vế” so với các gã khổng lồ nội địa.

Hoạt động quan trọng nhất ở Trung Quốc của Microsoft có thể kể đến là Microsoft Research Asia, công ty đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Microsoft Research Asia được thành lập vào năm 1998 với sự giúp đỡ của nhà khoa học AI người Mỹ gốc Đài Loan nổi tiếng Kaifu Lee. Phòng thí nghiệm này đã đào tạo ra những nghiên cứu sinh tiếng tăm mà sau đó trở thành chủ sở hữu của ByteDance, Baidu, Xiaomi...

Nhà đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates cũng có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc

Người đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates đã luôn nói những điều tích cực về Trung Quốc trong những năm gần đây.

Hồi tháng 11/2019, ông Bill Gates đã có cuộc gặp gỡ công khai với bà Bành Lệ Viên, phu nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình. Cũng trong cùng năm, vị tỷ phú đã chỉ trích các hạn chế của chính phủ Mỹ đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Mới đây nhất, Bill Gates cũng ca ngợi những phản ứng kịp thời của chính phủ Trung Quốc trong vụ bùng phát đại dịch Covid-19, điều mà chính quyền Trump cho là “sai lầm nghiêm trọng”. Sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng cảm ơn công khai với Quỹ Bill & Melinda Gates của cặp vợ chồng tỷ phú Mỹ vì quyên góp 5 triệu USD cho Trung Quốc trong chiến dịch cứu trợ Covid-19. Cho đến nay, Quỹ Bill & Melinda Gates là một trong số ít các tổ chức từ thiện hoặc phi chính phủ ở nước ngoài duy trì hoạt động ở Trung Quốc.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục