Từ 10 cây mít lạ, lão nông bất ngờ thắng lớn tiền tỷ mỗi năm
Trồng 1ha mít Thái, thu lãi 800 triệu/năm
Một thời nuôi bò sữa bị thua lỗ nặng, trồng cây ăn quả không đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng nhờ quyết tâm và ý chí vươn lên làm giàu, ông Ngô Văn Thủy tại thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội) đã thành công với mô hình trồng mít Thái Changai. Được ví như “cha đẻ” của giống mít Thái Changai ở miền Bắc, ông còn được người dân thân mật gọi với cái tên “Thủy mít”.
Những ngày tháng 10 hơi se lạnh, dẫn chúng tôi đi thăm trang trại mít cách đó không xa, ông Thủy nói: “Vất vả bao năm tôi mới gây dựng được trang trại này. Đến giờ, cây quanh năm cho trái ngọt, ăn ngon không kém nơi tôi đã mang giống về trồng”.
Là một trong những hộ làm kinh tế tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của TP. Hà Nội, những năm gần đây, trang trại mít của gia đình ông Thủy cho ngày càng nhiều quả và chất lượng ngày một ngon, được gần xa biết đến.
Trung bình, mỗi cây mít Thái Changai cho khoảng 1 tạ quả/năm. Với giá bán dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg, ước tính trang trại mít của gia đình ông cho doanh thu 1 tỷ/năm, trừ đi chi phí lãi khoảng 800 triệu/năm.
“Mỗi ngày tôi bán ra 1 tạ mít, thậm chí hôm nhiều được 2 tạ, có quả nặng lên đến gần 30kg. Thương lái về tận nơi tranh nhau mua, tôi không có mít mà bán, chỉ đủ cung cấp cho các mối quanh vùng”, ông phấn khởi nói.
Ông Thủy chia sẻ, so với chăn nuôi hay làm nông nghiệp nói chung, kĩ thuật trồng mít không khó, mà còn nhàn hơn rất nhiều. Hai tháng ông mới phải thuê người cắt cỏ một lần. Bên cạnh đó, giống mít Thái cho quả quanh năm, nhiều nhất là từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau nên ngày nào vợ chồng ông cũng có mít thu hoạch để bán, rồi đếm tiền tươi cất túi.
“Giờ hầu như nhà nào ở đây cũng trồng mít Thái, tôi thấy vui vì giúp được nhiều người dân cùng làm, tạo động lực cho họ phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê mình”, ông Thủy tâm sự.
Chuyến du lịch với 10 cây mít thay đổi cuộc đời
Nhớ về quãng thời gian khốn khó, quanh năm đầu tắt mặt tối, chi tiêu chắt bóp vẫn không để ra được đồng nào, ông kể, trước đây gia đình ông từng nuôi bò sữa, trồng nhãn, xoài nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Xây chuồng trại nuôi hơn 20 con bò sữa một thời gian, ông Thủy nhận thấy bò sữa chỉ thích hợp nuôi ở những vùng trồng được cỏ phát triển tốt và lên đều. Trong khi đó, mảnh đất của ông vốn khô cằn, sỏi đá trồng cỏ không lên được, do đó không có nguồn thức ăn dồi dào cho bò.
Những năm đó, chăn nuôi rồi trồng cây ăn quả không ăn thua, năm thì mất mùa, năm được mùa thì mất giá, hiệu quả kinh tế thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Càng làm càng lỗ, gia đình ông như rơi vào bế tắc, thiệt hại 300 triệu đồng. “Thời điểm 2002-2005, mất mấy trăm triệu là cả một gia tài, làm bao giờ mới bù lại được. Vợ chồng nhiều lúc xót của, chán nản, không biết làm thế nào để đỡ khó khăn, vất vả”, ông kể.
Đến năm 2006, trong một chuyến đi du lịch vào miền Nam, ông Thủy tình cờ được thưởng thức một loại mít ăn giòn, ngọt thơm, múi dày, ráo múi, mọng, ít xơ.
Vốn có đam mê tìm tòi về cây trồng vật nuôi, ông lân la tìm hiểu và biết được đây là giống mít Thái Changai đã được trồng phổ biến ở trong Nam, cây trồng chỉ 8 tháng đã cho quả nặng cả chục cân, tốc độ sinh trưởng nhanh, trong khi giống mít ở ngoài Bắc phải mất 4-5 năm mới ra quả. Đặc biệt, mít Thái cho quả quanh năm chứ không chỉ một vụ như mít ta, năng suất cao và chất lượng thơm ngon được nhiều người ưa chuộng.
Thấy thế, ông quyết định mua 10 cây về trồng thử trên 1ha đất vườn. Sau 3 tháng, thấy cây mau lớn, phát triển nhanh, ông Thủy quyết định chặt hạ toàn bộ vườn nhãn, xoài hàng trăm cây, thay vào đó là 300 cây mít Thái ông đặt mua từ trong Nam chuyển ra.
Thời điểm đó, người dân quanh vùng đều phá mít, đổ xô trồng vải, nhãn, xoài. Riêng gia đình ông làm ngược lại. Anh em bạn bè đều cho rằng hai vợ chồng ông lẩm cẩm bởi người ta phá đi thì mình lại trồng.
Ngày ấy cũng là làm liều, nhưng ông nghĩ nếu không thay đổi sao thoát được cảnh vất vả mà lúc nào cũng trong tình trạng thua lỗ.
“May mắn được gia đình ủng hộ, thuận vợ thuận chồng, tôi càng thêm quyết tâm, hy vọng đổi đời nhờ vườn mít”, ông tâm sự.
Nhớ nhất những ngày đầu mới trồng, cây bị nhện đỏ bám vào lá, ngọn cây rồi bị sâu đục thân, vợ chồng ông lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Hôm nào hai vợ chồng cũng ở ngoài vườn làm cỏ, làm đất, chăm bón cây từ sáng sớm đến tối mịt mới nghỉ.
Được sự tư vấn của những người trồng mít lâu năm cộng thêm kinh nghiệm tích lũy, tự tìm tòi học hỏi, ông Thủy cũng tìm ra loại thuốc trị sâu bệnh cộng thêm việc thường xuyên cắt tỉa, loại bỏ những cành sâu bệnh giúp cho cây phát triển khỏe mạnh, chất lượng quả cũng tăng hẳn lên.
Song, nếu như giống mít này trồng ở miền Nam chỉ 8 tháng là có quả, thì ở miền Bắc do khác thời tiết khí hậu nên thời gian đậu quả kéo dài hơn, khoảng 12-18 tháng.
Không phụ công người, sau 1 năm, cây bắt đầu cho những trái đầu tiên. Tuy vậy, thời gian đầu cây còn nhỏ nên chỉ cho khoảng 5 quả/cây/năm, trung bình mỗi quả nặng 6-12kg. Tính ra, mỗi cây thu được 30-60kg quả/năm. Ông bán với giá 20.000-25.000 đồng/kg.
“Ngày đó, tôi chủ yếu mang mít ra chợ bán. Họ ăn thấy thơm ngon rồi người này giới thiệu người kia nên ngày càng nhiều người biết đến. Dần dần tôi mang giống mít Thái phổ biến cho bà con cùng trồng”, ông nói.
Công việc tưởng rằng thuận lợi, vườn mít của ông bỗng chịu ảnh hưởng của một đợt rét đậm rét hại kéo dài hơn một tháng khiến quả bị rụng, hỏng đến 2/3, thiệt hại lên đến hơn trăm triệu.
Sau đợt đó, ông Thủy rút ra kinh nghiệm, giống mít này thích hợp với khí hậu nóng ấm, nếu nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C kéo dài cả tháng thì cây sẽ bị ảnh hưởng, quả không phát triển được. Vì vậy, ông bọc quả để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay ông đã khắc phục được tình trạng sâu bệnh và tác động của thời tiết lên cây.
Bao mồ hôi, công sức của vợ chồng ông Thủy lâu nay đã kết tinh thành trái ngọt, những lúc tưởng chừng bên bờ vực có nguy cơ mất tất cả lại càng giúp ông quyết tâm cố gắng hơn nữa, trở thành tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, giúp nhiều người vươn lên phát triển kinh tế.