Tuần trước kỳ lễ 2/9, Ngân hàng thương mại "vay nóng" gần 20.000 tỷ đồng, lãi suất tăng vọt

02/09/2022 06:57 GMT+7
Trong tuần này, các ngân hàng thương mại đã "vay nóng" gần 20.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước qua kênh cấm cố trên thị trường mở (OMO). Lãi suất cũng tăng vọt.

Các ngân hàng "vay nóng" gần 20.000 tỷ từ Ngân hàng Nhà nước trước nghỉ lễ

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tuần này Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường gần 20.000 tỷ đồng thông qua thị trường mở (OMO).

Theo đó, ngoại trừ ngày đầu tiên trong tuần chỉ tung ra thị trường hơn 400 tỷ đồng qua kênh cầm cố trên thị trường mở, 2 ngày tiếp theo cũng là 2 ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 2/9, các ngân hàng thương mại đã phải vay "nóng" từ Ngân hàng Nhà nước hơn 9.900 tỷ đồng mỗi ngày trên kênh này, với kỳ hạn 7 ngày.

Số lượng thành viên tham gia đấu thầu tăng cao với 14 thành viên tham gia đấu thầu phiên 30/8 (trong đó có 9 thành viên trúng thầu) và 10/10 thành viên tham gia đấu thầu/trúng thầu phiên 31/8.

Ngân hàng thương mại "vay nóng" gần 20.000 tỷ đồng, lãi suất tăng vọt - Ảnh 1.

Tuần này, các ngân hàng thương mại đã "vay nóng" gần 20.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước qua kênh cấm cố trên thị trường mở (OMO) - Ảnh: TN

Không chỉ thực hiện "bơm tiền" cho các ngân hàng thương mại, lãi suất trúng thầu qua kênh cầm cố trong 2 phiên này cũng vọt lên 4,5%/năm, thay vì mức 4%/năm trước đó, tức là các ngân hàng đã phải chấp nhận "vay nóng" với lãi suất cao hơn để đáp ứng nhu cầu thanh khoản tăng cao dịp nghỉ lễ.

Trong 2 phiên này, Ngân hàng Nhà nước cũng không thực hiện giao dịch bán tín phiếu nào để không rút tiền VND khỏi thị trường, trong khi vào những phiên của các tuần trước đó, hoạt động này vẫn diễn ra đều đặn và bình quân, hàng nghìn tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước hút về trong mỗi phiên.

Chẳng hạn như trong tuần trước, cơ quan này phát hành tín phiếu với tổng khối lượng là 33 nghìn tỷ đồng, ở các kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày. Lãi suất phát hành cũng được nâng lên 4% cho kỳ hạn 14 ngày (từ mức 3% trong tuần trước) và giữ nguyên 2,6% cho kỳ hạn 7 ngày, và 3,45% cho kỳ hạn 28 ngày.

Bên cạnh việc phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối khi áp lực về tỷ giá tăng dần trong bối cảnh đồng USD có xu hướng mạnh lên trước thềm Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole.

Ngoài "vay nóng" từ Ngân hàng Nhà nước, trong tuần này lãi suất vay mượn VND giữa các ngân hàng cũng đã tăng cao, lên tới trên 5%.

Theo đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm liên tục dâng cao kể từ mức 3,58%/năm vào ngày cuối cùng của tuần trước, lên 3,88%/năm (ngày 29/8) và tăng vọt lên 4,42%/năm. Đến phiên giao dịch cuối cùng trước nghỉ lễ (31/8), lãi suất vay mượn VND giữa các ngân hàng đứng ở mức 5,03/%năm.

Tương tự, các kỳ hạn cho vay ngắn như 1 tuần, 2 tuần cũng tăng lên mức 4,5%/năm và 4,91%/năm, đều cao hơn so với trước đó.

Ngân hàng thương mại "vay nóng" gần 20.000 tỷ đồng, lãi suất tăng vọt - Ảnh 2.

Lãi suất vay mượn VND giữa các ngân hàng tăng cao. (Ảnh: ABB)

"Nóng" lãi suất tiết kiệm

Trên thị trường cư dân, nhiều ngân hàng thương mại cũng thu hút tiền gửi của cư dân khi tích cực điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm vào những ngày cuối tháng 8 vừa qua.

Chẳng hạn như ACB, từ ngày 29/8 lãi suất tiết kiệm đã tăng thêm 0,1 điểm % tại một số kỳ hạn. Bac A Bank áp dụng biểu lãi suất mới tăng 0,1 điểm % tại kỳ hạn dưới 6 tháng. Với kỳ hạn 6-7 tháng, lãi suất tiết kiệm của nhà băng này tăng thêm 0,15% lên 6,5%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn như kỳ hạn 12 tháng trở lên, Bac A Bank tăng lãi suất thêm 0,1 điểm % lên 6,9-7%/năm.

Tương tự, MB tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn so với hồi đầu tháng. Cụ thể, với các kỳ hạn từ 7-8 tháng, lãi suất tiền gửi tăng 0,3% lên 5,3%/năm. Tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tăng 0,2% lên 6,8%/năm. Với kỳ hạn 48 tháng và 60 tháng, ngân hàng tăng đến 0,4% lãi suất lên 6,8%/năm.



Huyền Anh
Cùng chuyên mục