Tỷ giá Nhân dân tệ có thể xuyên ngưỡng 7,5 nếu ông Trump tiếp tục tăng thuế

07/08/2019 17:09 GMT+7
Tỷ giá NDT/USD có thể vượt ngưỡng 7,5 nếu ông Trump tiếp tục tăng thuế từ 10% lên 25% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, nhận định của chuyên gia kinh tế của Merrill Lynch.

Nguy cơ đồng NDT xuyên ngưỡng 7,5

Đồng Nhân Dân tệ đang trở thành tâm điểm chú ý những ngày gần đây sau khi Bắc Kinh để tỷ giá NDT/USD xuyên ngưỡng tâm lý 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên trong 11 năm trở lại đây, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sự suy yếu của đồng NDT diễn ra sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1.9 tới đây. Thị trường đang quan ngại điều này sẽ khơi mào cho một cuộc chiến tranh tiền tệ sâu sắc hơn trong bối cảnh đồng đô-la mạnh và ông Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, EU cố tình làm suy yếu tiền tệ để trục lợi thương mại. 

Mức thuế 10% được áp dụng có nguy cơ khiến tỷ giá NDT/USD chạm mốc 7,3% cuối năm 2019, vượt xa dự báo 6,63 của BofA. Một khi mức thuế tăng lên 25% như những gì đã diễn ra với hơn 200 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế trước đó, thì tỷ giá NDT sẽ xuyên ngưỡng 7,5, giả định tình hình kinh tế và tài chính không thay đổi, theo Rohit Garg, chiến lược gia tiền tệ và tỷ giá tại BofA nhận định.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC hôm 7/8 đã phát đi thông báo khẳng định không dùng NDT như một vũ khí trong chiến tranh thương mại với Mỹ, cũng không muốn dấn thân vào chiến tranh tiền tệ với nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời neo đồng NDT ở mức 6,9683 NDT đổi 1 USD. Nhưng điều này không làm cho thị trường lạc quan nhiều vào một lối thoát trong thỏa thuận thương mại.

“Nhiều nhà phân tích hy vọng Trump sẽ tăng thuế 25% với 300 tỷ USD hàng hóa sau những động thái căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Một mức thuế cao như vậy sẽ làm tổn thương niềm tin thị trường và Cục Dự trữ Liên Bang sẽ cần một hành động phù hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế” - Rohit Garg cho hay. “FED có vẻ sẽ hành động ôn hòa và cắt giảm lãi suất, điều sẽ phần nào làm suy yếu đồng đô-la. Điều đó có nghĩa là rất khó xảy ra trường hợp đồng đô-la lên giá như Trung Quốc kỳ vọng.”

Hành động phá giá đồng NDT là lời cảnh báo Mỹ từ phía Trung Quốc, rằng nước này có thể làm vỡ tan ước mơ suy yếu đồng đô-la Mỹ một cách dễ dàng, và sẵn sàng sử dụng tiền tệ như một vũ khí trong chiến tranh thương mại nếu cần thiết, trích lời ông Taimur Baig, nhà kinh tế của DBS. 

Trong tuần qua, những căng thẳng thương mại đã bị đẩy lên đỉnh cao khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa tiếp theo của Trung Quốc, đồng thời dán nhãn thao túng tiền tệ với nước này khi để tỷ giá đồng NDT xuyên ngưỡng tâm lý 7. Trung Quốc sau đó tuyên bố ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ và đe dọa áp thuế trừng phạt hàng nhập khẩu Mỹ một khi mức thuế 10% có hiệu lực.

Sức mạnh đồng đô-la là một vấn đề

Mỹ trong nhiều năm nay liên tục cáo buộc Trung Quốc làm suy yếu đồng NDT để hưởng lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế. Trump không ngừng phàn nàn điều này kể từ khi ông lên làm Tổng thống năm 2016. Vị chủ nhân Nhà Trắng thậm chí còn đề nghị Mỹ nên điều tra hành vi thao túng tiền tệ mà EU và Trung Quốc đang thực hiện để hưởng lợi thế trước hàng hóa Mỹ.

Rất nhiều nhà kinh tế cũng đồng tình với Trump trong việc có lẽ nên làm suy yếu đồng đô-la, và đồng đô-la đang bị định giá cao so với thực tế trị giá.

Trớ trêu thay, ông Trump càng cố gắng hành động để mang lại cho Mỹ lợi thế cạnh tranh, thị trường càng cảm thấy rủi ro và đổ tiền vào tài sản an toàn. Đồng đô-la thì vẫn mạnh, thậm chí còn mạnh hơn.

“Bằng cách tăng cường những đe dọa thuế quan lên Trung Quốc, ông Trump giờ đây đang khiến đồng đô-la trở nên ngày càng mạnh trước các loại tiền tệ khác” - nhà kinh tế học Taimur Baig từ ngân hàng DBS của Singapore cho biết. Chỉ số đồng đô la, đo sức mạnh tiền tệ của Mỹ đã tăng 1,4% trong năm nay.

"Việc FED hạ lãi suất hoặc Washington can thiệp vào thị trường tiền tệ sẽ chỉ giúp kiềm chế phần nào sức mạnh đồng bạc xanh, chứ ít có khả năng tác động đến tỷ giá trong dài hạn, suốt quá trình diễn ra chiến tranh thương mại" - nhận định từ nhà kinh tế học DBS.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục