Tỷ trọng FDI lớn, Vietcombank "thừa nhận" chịu tác động từ thuế quan nhiều hơn ngân hàng khác
Khách hàng FDI chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn và trên 40% tổng huy động vốn
Tại Đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông về tác động của chính sách thuế quan Trump đến ngành ngân hàng và tác động đến tình hình kinh doanh Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới với mức thuế suất cao lên tới 46%, dự báo sẽ có khoảng 55–56% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP, hoạt động thương mại và sản xuất trong nước.
Đối với Vietcombank, tác động sẽ đặc biệt rõ rệt do ngân hàng đang chiếm khoảng 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại toàn thị trường. Nhiều khách hàng của Vietcombank là các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ trong các lĩnh vực như điện tử, gỗ, thuỷ sản, nhựa... – đây đều là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế cao.

Ngoài ra, danh mục khách hàng FDI tại Vietcombank lớn so với các ngân hàng khác, chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, hơn 40% tổng huy động vốn và hơn 50% về doanh số hoạch toán quốc tế tài trợ thương mại. Điều này khiến Vietcombank có lẽ chịu tác động lớn hơn nhiều ngân hàng khác.
Trước tình hình đó, Vietcombank cho biết đã chủ động phối hợp với các khách hàng để đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động, trong đó có việc hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Vietcombank cũng tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý để có định hướng phù hợp theo từng ngành nghề, từng đối tượng khách hàng.
Tuy nhiên, tin tích cực từ ông Tùng dành cho cổ đông là mới đây, ngân hàng đã ký kết một thỏa thuận tài trợ cho Vietnam Airlines mua 50 máy bay Boeing từ Mỹ. Động thái này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà còn góp phần giảm chênh lệch cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ – có thể giúp giảm áp lực từ phía chính sách của Mỹ.
Các chỉ tiêu kinh doanh trong quý I/2025 đều tăng trưởng tốt, đặc biệt là tín dụng và hoạt động tài trợ thương mại quốc tế (chiếm khoảng 20% thị phần). Trong quý đầu năm, ngân hàng cũng đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng quan trọng, góp phần đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng. Hoạt động huy động vốn tăng trưởng ổn định, doanh số mua bán ngoại tệ tăng trưởng tốt. Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó thu nhập ngoài lãi đóng góp lớn vào cơ cấu lợi nhuận chung.
Cân nhắc dùng quỹ dự trữ bổ sung để tăng vốn
Kế hoạch tăng vốn đã được xây dựng trong thời gian dài, tuy nhiên việc triển khai gặp khó khăn do môi trường không thuận lợi và chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp như kỳ vọng.
Năm 2023, ngân hàng đã phát hành cổ tức bằng cổ phiếu với 18,1% và trong năm 2024 là 49,5%, hiện tại quy mô vốn điều lệ tăng lên tương ứng 83.557 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024 đang khởi sắc, tạo điều kiện phù hợp để tái khởi động kế hoạch tăng vốn và tiếp cận một số nhà đầu tư tiềm năng – bước đầu đã có phản hồi tích cực.
Tuy nhiên, việc hoàn thành kế hoạch tăng vốn trong năm 2025 vẫn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh vĩ mô và sự quan tâm của nhà đầu tư.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, 2023, đã được cổ đông thông qua và được cơ quan thẩm định phê duyệt, hiện tại, ban lãnh đạo cho biết, ngân hàng cũng đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ thông qua lợi nhuận giữ lại từ hai năm này, trình cơ quan thẩm quyền xem xét và sẽ triển khai sau khi được phê duyệt.
Về con số, năm 2022, lợi nhuận còn lại là 21.680 tỷ, năm 2023 lợi nhuận còn lại 22.770 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐQT Vietcombank đang cân nhắc dùng thêm quỹ dự trữ bổ sung để tăng vốn điều lệ trong đợt phát hành này.
Tại Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao.