Úc tuyên bố sẵn sàng "trả giá" trong xung đột thương mại Úc Trung

23/07/2021 17:41 GMT+7
Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan mới đây khẳng định Úc sẵn sàng trả giá kinh tế từ các biện pháp trả đũa thương mại của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.

“Nếu chúng tôi buộc phải trả một cái giá (về mặt kinh tế), thì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó” - Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan khẳng định trong cuộc phỏng vấn tại Washington. Ông Dan Tehan hiện đang có chuyến công du tới Mỹ, nơi ông sẽ làm việc với các quan chức chính quyền Biden trong một nỗ lực chung chống lại Trung Quốc.

“Có một điều chắc chắn là các giá trị chủ quyền rất quan trọng với chúng tôi, tôi nghĩ rằng đó là thứ mà chúng tôi muốn bảo vệ hơn hết” - Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan nhấn mạnh.

“Chúng ta có thể đề xuất các động thái mang tính tập thể để đối phó với sự “áp bức kinh tế” (từ Bắc Kinh). Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét liệu có thể cùng phát triển một bộ công cụ để chống lại các thách thức đó hay không” - ông Dan Tehan nói thêm. 

Trước đó, Mỹ từng tuyên bố sẽ không để Úc đơn độc (trong cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc), nhưng cho đến nay phía Washington chưa có hành động nào cụ thể tỏ rõ thái độ này.

Úc tuyên bố sẵn sàng "trả giá" trong xung đột thương mại Úc Trung - Ảnh 1.

Úc tuyên bố sẵn sàng "trả giá" trong xung đột thương mại Úc Trung (Ảnh: Global Times)

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra vốn đã trở nên rạn nứt khi chính phủ Canberra cấm Huawei tham gia cung cấp thiết bị linh kiện cho mạng 5G vào năm 2018. Sau đó, vào đầu năm 2020, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Chính phủ Bắc Kinh sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc do các biện pháp hạn chế thương mại từ Bắc Kinh.

Căng thẳng trở nên tồi tệ hơn trong năm nay khi hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đình chỉ Diễn đàn đối thoại kinh tế song phương chỉ vài ngày sau khi Úc tuyên bố hủy bỏ hai thỏa thuận thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa bang Victoria với Bắc Kinh. Vào tháng 6, Canberra quyết định đệ đơn khiếu nại về việc việc Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá với rượu vang xuất khẩu Úc lên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Năm ngoái, Úc cũng từng đưa ra kháng nghị chính thức lên WTO nhằm xem xét lại quyết định của Trung Quốc về việc áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với lúa mạch nước này.

Mặc dù kêu gọi các động thái chung từ Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan nhấn mạnh thảo luận trực tiếp sẽ là con đường tốt nhất để giải quyết xung đột với Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, ông Dan Tehan từng gửi một thông điệp dài đến Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao để thảo luận về cách thức hợp tác cũng như các lĩnh vực song phương cần thảo luận. Thế nhưng cho đến nay, phía Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản hồi nào. 

Các nhà quan sát nhận định triển vọng hòa giải giữa Canberra và Bắc Kinh trong ngắn hạn là không sáng sủa. Tuần qua, Mỹ, Úc và một số đồng minh khác thuộc EU và NATO đã cáo buộc chính phủ Úc liên quan đến vụ hack vào hệ thống Microsoft Exchange gây ảnh hưởng đến hàng chục nghìn doanh nghiệp, tổ chức toàn cầu. 

Về phía Bắc Kinh, có thể thấy các quan chức Bắc Kinh vẫn giữ thái độ cứng rắn trong vấn đề Trung Quốc. Trong tháng này, khi được hỏi về nông sản Úc trên thị trường Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã khẳng định: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào thu lợi từ việc kinh doanh tại Trung Quốc trong khi phía sau họ vẫn cáo buộc và bôi nhọ Trung Quốc một cách vô căn cứ”.


NTTD
Cùng chuyên mục