Ukraine siết chặt quy định xuất khẩu các mặt hàng nông sản thiết yếu, giá cám gạo Việt Nam tăng kỷ lục
Ukraine dừng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản
Thông Tân Xã trích thông tin từ tờ Interfax của Ukraine cho hay, ngày 6/3 dẫn một nghị quyết của chính phủ nước này cho biết Kiev đã áp dụng quy định về giấy phép xuất khẩu đối với những sản phẩm nông nghiệp quan trọng như bột mỳ, ngô và dầu ăn hướng dương.
Văn bản trên yêu cầu các nhà buôn cũng cần có giấy phép xuất khẩu đối với những mặt hàng trứng và gia cầm.
Ukraine là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về ngũ cốc và các loại dầu thực vật.
Những biện pháp tăng cường quy định về xuất khẩu hàng nông nghiệp được ban hành giữa lúc Ukraine đang phải đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Trước đó cùng ngày, Ukraine đã đình chỉ hoạt động xuất khẩu một số nông sản. Cụ thể, Chính phủ Ukraine đã tạm dừng xuất khẩu các mặt hàng bao gồm lúa mạch đen, yến mạch, hạt kê, kiều mạch, muối, đường, thịt và vật nuôi.
Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết nước này đã xuất khẩu 43 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 2021/2022 tính đến ngày 23/2. Sản lượng ngũ cốc của Ukraine đã tăng 32%, qua đó đạt mức 85,7 triệu tấn trong năm 2021.
Nước xuất khẩu dầu ăn hướng dương lớn nhất thế giới này đã từng tuyên bố rằng họ có thể xuất khẩu hơn 60 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 33 triệu tấn ngô và 23 triệu tấn lúa mỳ.
Trong khi đó, ngành đường sắt Ukraine cho biết ngành này sẵn sàng tham gia vào việc vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu trong khi các cảng bên bờ Biển Đen phải đóng cửa.
Từ trước đến nay, Ukraine thường xuất khẩu ngũ cốc, dầu thực vật và các loại thực phẩm, nông sản khác bằng đường biển.
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng vọt, giá cám gạo Việt Nam cao kỷ lục
Trả lời tờ Thanh Niên, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết: Giá cám hiện nay lên trên 8.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng so với trước tết. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này.
Hồi sau tết giá có tăng và ở mức khoảng 7.000 - 7.200 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá tấm cũng tăng từ mức 7.200 - 7.400 đồng lên 7.800 - 8.000 đồng/kg. Mức giá bình quân của cả vùng theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đối với mặt hàng cám gạo là 7.760 đồng/kg, cao nhất là 7.950 đồng/kg tăng khoảng 800 đồng/kg. Đối với mặt hàng tấm từ 7.624 - 7.750 đồng/kg, tăng khoảng 650 đồng/kg.
Các doanh nghiệp chế biến gạo cho biết, giá hai mặt hàng này tăng mạnh vì các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi gom hàng phục vụ sản xuất. Hiện tại giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đang tăng cao và khan hiếm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine làm nguồn cung bắp, đậu nành bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: Hồi tháng 2, giá thức ăn chăn nuôi mới tăng thêm 300 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên trong năm nay và là lần thứ 11 kể từ năm 2021.
Trước đó cám cho heo thịt chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nay đã tới gần 15.000 đồng/kg. Với tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine hiện nay thì nguyên liệu thức ăn chăn nuôi còn tăng và tình cảnh người chăn nuôi còn bi đát hơn.
Đánh giá tác động xung đột Nga - UKraine lên nông sản
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thông tin về tác động xung đột Nga - Ukraine lên Việt Nam.
Thông tin cho thấy năm 2021, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang Nga đạt 550 triệu USD, một số mặt hàng có giá trị cao như: cà phê 173 triệu USD, thủy sản 164 triệu USD, tiêu và điều khoảng 60 triệu USD. Khi xung đột nổ ra, các hoạt động xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp (DN) đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác.
Năm qua, Việt Nam cũng nhập sản phẩm nông nghiệp từ Nga khoảng 500 triệu USD gồm các mặt hàng: lúa mì, bắp, phân bón... Việc thiếu tàu và chi phí vận chuyển tăng khiến các DN nhập khẩu Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm nhà cung ứng từ các nước khác như: Úc, Nam Mỹ, Nam Phi. Quan trọng hơn là sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Hiện giá nguyên liệu đầu vào như: lúa mì, bắp... đã tăng khoảng 10%-20%, giá phân bón tăng trên 20%, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt của Việt Nam.
Trước tình hình trên, giải pháp Bộ NN-PTNT đưa ra là theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho các DN đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ. Đồng thời, làm việc với các hiệp hội ngành hàng thủy sản, cà phê, điều, tiêu, gỗ... tìm giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine và đa dạng hóa thị trường; làm việc với các DN nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước cũng như thu hút DN tăng cường đầu tư để chủ động trong đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến và logistics nông nghiệp.